Lễ khánh thành Mốc 1369 tại cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, tháng 12/2011. |
Xin ông đánh giá về đóng góp của ngành Ngoại giao vào công tác biên giới lãnh thổ của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua?
Có thể nói Bộ Ngoại giao đã có những đóng góp rất lớn vào sự nghiệp của đất nước cũng như trong công tác biên giới, lãnh thổ, được các kỳ Đại hội Đảng đánh giá cao. Hơn 40 năm làm trong ngành Ngoại giao, tôi cảm thấy rất tự hào vì Bộ Ngoại giao đã không có sai lầm nào đáng kể trong quá trình phục vụ, cống hiến cho Tổ quốc. Bộ Ngoại giao đã đóng vai trò chính trong công tác bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Những gì chúng ta làm đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, danh hiệu Anh hùng lao động...
Đến nay, chúng ta ký Hiệp định biên giới với Lào, Hiệp định biên giới với Campuchia, Hiệp định phân định vùng chồng lấn với Thái Lan, Hiệp định vùng chồng lấn và khai thác chung với Thái Lan và Malaysia và Hiệp định chồng lấn với Indonesia. Quan trọng hơn, chúng ta ký Hiệp ước trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.
Nhìn lại, có thể thấy các thế hệ làm công tác biên giới đã cống hiến hết mình, hy sinh cả xương máu để làm rõ quốc giới Việt Nam, cương vực Tổ quốc; tạo môi trường an ninh, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng; có điều kiện hòa bình, ổn định để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện những vấn đề nào còn tồn tại trong công tác biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng?
Chúng ta có biên giới chồng lấn lãnh thổ với nhiều nước, như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông. Với Thái Lan, sau khi ký xong Hiệp định về chồng lấn giữa những năm 1990, hai bên không có xung đột, tranh chấp và đã tiến hành tuần tra chung. Với Malaysia, ta đã ký thỏa thuận khai thác chung vùng chồng lấn Việt Nam-Thái Lan-Malaysia. Với Indonesia, ta ký xong Hiệp định vùng chồng lấn trên biển và hiện đang đàm phán phân định ranh giới thềm lục địa. Với Lào, sau khi ký Hiệp định về biên giới, hai bên đang tiến hành sửa sang, chỉnh sửa một số điểm mốc còn kênh về kỹ thuật chứ không phải về nguyên tắc và thúc đẩy quá trình tăng dầy, tôn tạo các cột mốc.
Với Campuchia, Hiệp định biên giới hai bên được ký năm 1985 và hiện hai bên đang đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc (đã đạt 70-80%). Hiện vấn đề này còn ba cái "vướng". Thứ nhất, lực lượng chống phá Việt Nam đang tìm mọi cách gây phức tạp quan hệ hai nước, họ lật lại lịch sử của 200-300 năm trước đây dưới thời thực dân Pháp và về mặt tâm lý cũng tác động đến người dân Campuchia, gây khó khăn trong việc hoàn thiện đường biên giới rõ ràng, hòa bình, hữu nghị Việt Nam-Camphuchia. Thứ hai, hiện vẫn có những phức tạp trong phân giới cắm mốc ở một số đoạn nhất định. Do trước đây dùng bản đồ của Pháp, Mỹ nhưng vì là bản đồ quản lý hành chính và bản đồ quân sự nên nhiều nơi để trống, không có đường biên, việc cắm mốc gặp khó khăn. Hai bên đang tiếp tục thương lượng để cắm mốc một cách thích hợp. Thứ ba, tồn tại lớn nhất trong phân chia đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là vùng nội thủy từ đất liền của tỉnh Kiên Giang ra đảo Phú Quốc. Vùng nội thủy là một đặc thù giữa Việt Nam và Campuchia, hiện chưa có khái niệm đường biên giới ở đây, chỉ có một đường ngày xưa do Toàn quyền Pháp vẽ nhưng không thể chấp nhận được theo thông lệ quốc tế.
Với Trung Quốc, chúng ta đã hoàn thành đường biên giới trên bộ và trên biển. Dư luận thế giới đánh giá đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là đường biên giới quốc gia được phân định và cắm mốc dày nhất và rõ ràng nhất. Đường này có chiều dài trên đất liền khoảng 1.450 km, trong đó gần 400 km đường sông suối và hiện đã cắm được 1.970 mốc, kể cả mốc chính và mốc phụ. Từ khi cắm mốc thì đây là đường biên giới rất hòa bình, không còn có tranh chấp, lấn chiếm như trước. Còn ở Vịnh Bắc Bộ, trên đà ký Hiệp ước trên bộ, chúng ta đã đẩy được đàm phán trong một năm và đến năm 2000 đã hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ. Như vậy, từ Đông sang Tây và từ Tây sang Đông đã có đường biên giới hoàn thiện với Trung Quốc.
Thứ trưởng Lê Công Phụng (thứ ba từ trái) khảo sát tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai. |
Để làm tốt công tác biên giới - lãnh thổ cần phải có những điều kiện gì? Làm thế nào để đạt mục tiêu xây dựng các đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển?
Hiện nay, mục tiêu đối ngoại cao nhất của Việt Nam là hòa bình, ổn định. Nếu không thì không thể tập trung để hợp tác và phát triển, không thể hội nhập và mở rộng quan hệ đối ngoại. Trong đó, yêu cầu quan trọng hàng đầu là làm sao có đường biên giới hòa bình, hữu nghị, rõ ràng với các nước láng giềng.
Để làm được việc này, điều kiện tiên quyết là toàn dân, các Bộ, ngành phải tuyệt đối trung thành và đề cao lợi ích dân tộc, đặc biệt là lực lượng trực tiếp làm công tác biên giới lãnh thổ phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, phương châm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và xuyên suốt tránh trường hợp mỗi Bộ, ngành, địa phương hiểu một khác, dễ gây hiểu lầm, phức tạp. Đồng thời phải hiểu rằng biên giới lãnh thổ là vấn đề thuộc lợi ích quốc gia, phải do Trung ương chỉ đạo.
Thứ ba, phải thấm nhuần nguyên tắc "lấy dân làm gốc". Những người đi khảo sát, phân giới cắm mốc ở biên giới có thể đến thực địa một tuần, mười ngày, một tháng nhưng sau đó người ở lại lâu dài là người dân, là lực lượng biên phòng. Do đó, muốn làm tốt thì phải quan tâm công tác giáo dục, tuyên truyền và chăm lo đời sống nhân dân.
Tôi biết những người làm công tác biên giới lãnh thổ thường gặp rất nhiều khó khăn...
Đúng thế. Một là về chuyên môn, các cán bộ làm công tác này phải học, nghiền ngẫm, nghiên cứu, phải biết cương vực Tổ quốc nằm ở đâu thì mới có cơ sở để đàm phán, đấu tranh thương lượng, làm sao giữ được lợi ích của mình. Thứ hai, các cán bộ này cũng phải nghiên cứu kỹ luật pháp và thông lệ quốc tế, ví như trong phân chia vùng biển, vùng nội thủy, hay xác định đường biên giới trên một ngọn núi như thế nào... Thứ ba, các cán bộ làm công tác biên giới phải kiên trì, tận tâm và có trách nhiệm khi triển khai nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng phải nghiên cứu kỹ những bài học, kinh nghiệm từ công tác biên giới, lãnh thổ của Việt Nam...
Tiếp nữa là phải có sức khỏe, nhiệt tình và bản lĩnh. Phân giới, cắm mốc đòi hỏi phải đến thực địa, có khi đi bộ bảy, tám ngày trong rừng mới đến điểm cần khảo sát. Trong suốt quá trình phân giới cắm mốc với Trung Quốc, ta đã hy sinh ba chiến sĩ, 30 người bị thương do vướng mìn, sét đánh…
Một điều nữa phải quan tâm là chế độ cho lực lượng biên phòng, biên giới - những người trực tiếp hàng ngày hàng giờ bảo vệ đường biên. Trên biển, ta phải tính tăng cường trang bị cho ngư dân…
Theo ông, sắp tới, công tác biên giới lãnh thổ gặp những thách thức gì?
Hiện còn hai thách thức trong vấn đề Biển Đông và biên giới với Campuchia. Về Campuchia, cần tiếp tục đàm phán và tìm cách hoàn thiện đường biên giới. Đây là vấn đề có thể giải quyết dù cần thời gian.
Về Biển Đông, nhìn tổng thể quan hệ Việt-Trung, ta phải kiên trì mối quan hệ hữu nghị và tìm cách đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, tạo điều kiện cho hai bên xử lý các vấn đề còn tồn tại. Ta cần kiên trì đàm phán, cả song phương, đa phương, trong ASEAN và với các nước có liên quan. Đấu tranh với Trung Quốc về Biển Đông quan trọng nhất là phải dựa vào luật pháp quốc tế. Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền vận động tập hợp dư luận, cả quốc tế và trong nước, để từ người dân đến lãnh đạo các ngành, cấp hiểu rõ chủ trương, không kích động nhưng cũng không lơi lỏng cảnh giác.
Thêm nữa, các bộ phận chức năng liên quan phải suy tính mọi khả năng có thể xảy ra, chuẩn bị kỹ các phương án, kể cả đưa ra tòa án quốc tế khi cần.
Cuối cùng, tôi cho rằng phải thấy rõ việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là của mình, do mình nên luôn cần có sự chuẩn bị thực lực một cách thỏa đáng, phù hợp với năng lực kinh tế, tài chính.
Kim Chung (thực hiện)