Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2022 của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Khi chuẩn bị bước sang năm 2022, thế giới còn đứng trước nhiều khó khăn nhưng cũng có một niềm tin mạnh mẽ. Niềm tin về việc đại dịch Covid-19 sẽ từng bước bị đẩy lùi trong năm 2022. Niềm tin rằng kinh tế thế giới sẽ hồi phục mạnh mẽ, mặc dù vẫn có chỗ gập ghềnh.
Đến nay, đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Nhiều nước chủ động thích ứng tốt hơn với đại dịch và mở cửa trở lại. Các hoạt động lễ hội, sự kiện đông người đã được tổ chức trở lại ở nhiều nơi trên thế giới; các hoạt động giao lưu, đi lại, hợp tác quốc tế, trao đổi đoàn từng bước được khôi phục. Trong nước, Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3, tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 và nhiều sự kiện quốc tế khác hết sức thành công, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Cục diện thế giới nhiều biến động
Tình hình thế giới, khu vực sáu tháng đầu năm 2022 đi vào ổn định, tuy nhiên thách thức cũng không nhỏ, có phần còn gia tăng.
Đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm lại, bấp bênh và đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí đứng trước nguy cơ khủng hoảng, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng và lương thực tăng cao, rủi ro nợ công gia tăng; đời sống kinh tế-xã hội tại nhiều nước gặp khó khăn nghiêm trọng. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thế giới năm 2022 chỉ ở mức 2,9%, thấp hơn nhiều so với mức 5,7% của 2021; đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái trong giai đoạn 2023-2024. Các vấn đề phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… tiếp tục là những thách thức chung được quan tâm nhất hiện nay.
Xung đột giằng co tại Ukraine tiếp tục tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế, trở thành sự kiện địa chính trị lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và cấu trúc an ninh tại châu Âu. Tuy các nước lớn vẫn duy trì đối thoại nhằm quản lý mâu thuẫn nhưng cạnh tranh chiến lược tiếp tục gay gắt. Nguy cơ chạy đua vũ trang ở một số khu vực có dấu hiệu gia tăng.
Các tổ chức quốc tế, thể chế đa phương tiếp tục chứng tỏ được vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế, hỗ trợ phát triển tại các nước, nhất là góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay; tuy nhiên đang chịu tác động sâu sắc từ cạnh tranh giữa các nước lớn.
Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương đạt 4,4% trong năm 2022. Tuy nhiên, khu vực tiếp tục là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN tiếp tục nỗ lực duy trì chính sách đối ngoại cân bằng, duy trì đoàn kết nội khối, vai trò trung tâm của ASEAN cũng như lập trường chung trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN tiếp tục đề cao duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, đồng thời nỗ lực cùng Trung Quốc thúc đẩy đàm phán nhằm hướng tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông đầy đủ, có hiệu lực.
Nhìn chung, tuy những vấn đề chính trị và kinh tế đối ngoại đang và sẽ phải xử lý gia tăng tính chất phức tạp, nhưng mặt thuận cơ bản vẫn là nguyện vọng chung về hòa bình, hợp tác, phát triển, liên kết kinh tế ở khu vực. Ở trong nước, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc Đổi mới của đất nước 36 năm qua và những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an ninh và việc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, mở cửa trở lại nền kinh tế với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại thời gian qua.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại Lê Đình Tĩnh điều hành phiên họp về công tác đối ngoại. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đối ngoại đồng hành cùng đất nước
Trước những biến động quốc tế, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm chỉ đạo sát sao và trực tiếp tham gia triển khai các hoạt động đối ngoại. Tầm quan trọng đặc biệt của “ngoại giao cấp cao” được khẳng định với những dấu ấn hết sức quan trọng và tác động lan tỏa thiết thực. Trên cơ sở đó, công tác đối ngoại tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động, linh hoạt và đạt được những kết quả quan trọng. Môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững; bảo đảm được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; củng cố và có mặt phát huy hơn nữa vai trò và vị trí của ta trong ưu tiên chính sách của các nước lớn, các đối tác quan trọng; tranh thủ mọi cơ hội hợp tác và các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Các cơ quan trung ương, các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã bắt nhịp kịp thời với quá trình mở cửa trở lại của các nước để chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược rất gay gắt, ta kiên trì giữ vững độc lập tự chủ, xử lý bình tĩnh, cân bằng, hài hòa quan hệ với các nước lớn, giữ được đà quan hệ ổn định, thuận lợi với tất cả các đối tác chủ chốt. Tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, ta giữ được đà tham gia tích cực, tiếp tục thúc đẩy các cam kết, sáng kiến đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN và nhiệm kỳ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đóng góp tích cực vào các quan tâm chung, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác, phát triển khu vực, liên khu vực, tiểu vùng Mekong; được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77 và trúng cử Ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026 với số phiếu cao nhất.
Các cơ quan làm đối ngoại đã chuyển trạng thái từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao hỗ trợ phục hồi-tăng trưởng; chủ động tích cực tham mưu, dự báo, nắm bắt thời cơ các nước mở cửa trở lại, khôi phục giao thương để thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, năng lượng, nông nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phòng chống dịch bệnh…; tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quan hệ kinh tế với các nước; triển khai phù hợp, linh hoạt hội nhập và liên kết kinh tế, nhất là đối với các sáng kiến liên kết kinh tế mới. Công tác hỗ trợ các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp với phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, nội dung thực chất, cả trong và ngoài nước.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân tiếp tục được triển khai kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là triển khai Kết luận số 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; hỗ trợ, sơ tán, bảo hộ công dân ta tại các khu vực chiến sự, khó khăn. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao văn hóa được triển khai hiệu quả hỗ trợ đắc lực cho quá trình phục hồi và mở cửa trở lại, đóng góp vào thành công của SEA Games 31, nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước; tiếp tục triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”, Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
Kết quả công tác đối ngoại sáu tháng đầu năm ghi nhận dấu ấn phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ hiệu quả giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại Nhân dân. Các hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ trên cơ sở phát huy thế mạnh của các kênh đối ngoại, tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định nói chung và quan hệ với các đối tác.
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Dự báo và phương hướng nửa cuối năm 2022
Trong sáu tháng cuối năm, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp. Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Cạnh tranh, đối đầu tiếp tục diễn ra trong quan hệ nước lớn. Ở trong nước, tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn còn những thách thức cần vượt qua.
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại sáu tháng cuối năm sẽ tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị đối ngoại toàn quốc đặt ra, trong đó trọng tâm là giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, tiếp tục mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ chủ quyền, lợi ích; phòng ngừa và hạn chế rủi ro; tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để tích lũy nội lực và nâng cao vị thế cho đất nước.
Công tác của Bộ Ngoại giao sẽ tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp năm 2022; nỗ lực nối lại các hoạt động trao đổi đoàn trực tiếp; chú trọng thúc đẩy các dự án hợp tác, đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết với các đối tác; chủ động đề xuất các biện pháp gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích với các đối tác quan trọng. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; tranh thủ các sáng kiến phát triển của Liên hợp quốc; thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn đa phương; cùng ASEAN củng cố đoàn kết, nguyên tắc, tăng cường hợp tác trên thế giới và ở khu vực.
Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển; phòng ngừa các nguy cơ khủng hoảng; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng và từng bước đa dạng hóa thị trường; tranh thủ các cơ hội hợp tác về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển đổi số… tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác dự báo, chủ động tham mưu đặc biệt đối với các vấn đề trọng yếu của đất nước để có kiến nghị biện pháp, bước đi chủ động, hiệu quả, kịp thời trong bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của ta. Tiếp tục đổi mới, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao Văn hóa, bảo hộ công dân; tích cực triển khai Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và chương trình hành động của Chính phủ.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trí tuệ, bản lĩnh, tận tâm; xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại.
| Công tác thông tin đối ngoại đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển tích cực của kinh tế - xã hội Công tác thông tin đối ngoại đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, đóng ... |
| Phối hợp công tác giữa Cảnh vệ và Lễ tân trong việc nâng tầm công tác tổ chức, phục vụ hoạt động của Lãnh đạo cấp cao Ngày 24/6, tại trụ sở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ diễn ra Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp số ... |