"Những phát hiện của họ đã gây chấn động toàn thế giới" là nhận xét mà Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Goran K Hansson dành cho 3 nhà khoa học Mỹ cho công trình nghiên cứu Đài quan trắc sóng hấp dẫn kế laser (LIGO).
LIGO là trạm quan trắc sóng hấp dẫn bằng tia laser giao thoa. Hệ thống này trị giá 620 triệu USD đã giúp các nhà thiên văn học quan sát hiện tượng hai hố đen va chạm vào nhau.
Ba nhà khoa học Mỹ (từ trái sang phải) gồm Rainer Weiss, Bary C.Barish và Kip S.Thorne . (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Hai lỗ đen này có khối lượng lớn gấp 30 lần Mặt Trời, nằm ở vị trí cách trái đất khoảng 1,3 tỷ năm ánh sáng. Quá trình va đập này làm sinh ra các sóng hấp dẫn, vết gợn không - thời gian như nhà khoa học Albert Einstein tiên đoán vào năm 1916.
Sóng này sẽ lan truyền từ nguồn phát với vận tốc ánh sách trong không gian và tới Trái đất. LIGO đã phát hiện ra sóng hấp dẫn vào ngày 12/8/2015.
Đây là một thí nghiệm vật lý quy mô lớn nhằm phát hiện trực tiếp sóng hấp dẫn. Đồng thành lập bởi ba nhà vật lý Kip Thorne, Ronald Drever tại Caltech - người qua đời vào đầu năm nay và Rainer Weiss tại MIT vào năm 1992. Giai đoạn đầu LIGO hoạt động từ năm 2002 đến năm 2010 và không phát hiện ra sóng hấp dẫn.
Sau đó, đài quan trắc này đã ngừng hoạt động trong nhiều năm để thực hiện việc nâng cấp và thay thế các thiết bị dò có độ nhạy cao hơn của giai đoạn "LIGO tiên tiến". Theo kế hoạch, đài quan trắc này sẽ tiếp tục được cải tiến vào năm 2021.
Theo thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, số tiền thưởng trị giá 9 triệu Kronor (tương đương 1,1 triệu USD) của giải Nobel Vật lý 2017 sẽ được chia làm 2 phần, trong đó một nửa thuộc về nhà khoa học Rainer Weiss và nửa còn lại thuộc về hai nhà khoa học Bary C.Barish và Kip S.Thorne.