Hầu hết sàn giao dịch của các công ty chứng khoán hiện đều vắng nhà đầu tư. Ảnh chụp tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt. (Ảnh: H.Thúy - NLĐ) |
Thị trường chứng khoán ảm đạm đã và đang tác động lớn đến các công ty chứng khoán (CTCK), đặc biệt là những công ty vừa mới “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường. Những khó khăn mà các CTCK phải đương đầu trong năm 2009 là khó lường.
Khó trăm bề
Nguồn thu chính của các CTCK chủ yếu từ phí môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành và tự doanh. Nhưng với tình hình ảm đạm của thị trường thì các hoạt động này cũng khép cửa. Tổng giám đốc một CTCK tại TPHCM cho biết mấy tháng nay công ty ông tư vấn IPO cho một vài công ty nhưng lại không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Còn “miếng bánh” phí môi giới chẳng đủ “nhét kẽ răng” cho tổng cộng trên dưới 100 CTCK. Các hoạt động tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành còn tệ hại hơn vì thị trường chỉ “lèo tèo” các công ty lên sàn, phát hành. Mảng tự doanh chỉ trông chờ vào đầu tư trái phiếu nhưng hiện tại lãi suất không còn biến động nên hoạt động này hết mặn mà. Đầu tư cổ phiếu thì từ lỗ đến lỗ.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng các chuyên gia lại lo rằng việc mua bán, sáp nhập các CTCK cũng khó thực hiện bởi thực tế giá trị của những công ty này không nhiều. Đặt câu hỏi về việc có mua lại những CTCK có nguy cơ phá sản hay không, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng “không có gì đáng để mua”.
Bởi nhân lực thì với uy tín của mình, SSI tìm dễ hơn, còn công nghệ thì không phải công ty nào cũng tốt và tương thích. Tổng Giám đốc CTCK SJC, ông Huỳnh Anh Tuấn, cho rằng nếu các công ty không chịu đựng nỗi khó khăn thì tốt nhất là nên phá sản, bởi thực tế các CTCK hình thành chủ yếu dựa trên công nghệ và con người mà những yếu tố này không dễ bán một khi công ty đã không có khả năng tồn tại. Được biết, trung bình mỗi tháng một CTCK bỏ ra ít nhất trên dưới 50 triệu đồng chi phí, trong khi nguồn thu kiếm được nhiều lắm từ phí môi giới cũng trên dưới 1 triệu đồng/ngày.
Xoay kiểu nào?
Hiện các CTCK đều phải tự tìm cách bơi để tồn tại. Tổng Giám đốc CTCK SME Chi nhánh TPHCM, ông Bùi Văn Quang, cho rằng thật sự nguồn thu từ phí môi giới đã “chết” từ mấy tháng trước. Công ty đã chuyển hướng tập trung cho công tác tư vấn đầu tư, tư vấn huy động vốn cho các công ty chưa niêm yết... Còn ông Nguyễn Duy Hưng cho biết năm 2009, SSI sẽ hoàn thiện hơn nữa hệ thống, tham gia đầu tư vào cổ phiếu của những công ty hàng đầu với giá sát với giá trị sổ sách.
Đồng thời cho ra đời những sản phẩm đầu tư hoàn toàn mới để thu hút các nhà đầu tư có tiền. Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), khẳng định năm 2009 là năm mà SSC đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện củng cố các hoạt động nhằm bảo đảm vận hành tốt cho thị trường. Trong đó, có việc theo dõi thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các CTCK. Theo NLĐ