Chính phủ Phần Lan đóng cửa phần lớn trường học, kêu gọi công sở làm việc trực tuyến... nhiều địa điểm đóng cửa, không còn sự xuất hiện của bóng người dân, khách du lịch. |
Năm 2020 thật đặc biệt. Đầu năm, khi tuyết dường như quên rơi ở những nơi mà quen với sự có mặt của tuyết cho đến tận tháng 4 hàng năm thì Covid-19 không mời lại tới, rơi đột ngột, rải khắp Bắc Âu thay cho sự vắng mặt của tuyết. Sự xuất hiện ấy cũng thật “đặc biệt”, ập một phát, tràn khắp nơi làm người ta chẳng kịp trở tay.
Nỗi lo khi dịch bệnh “gõ cửa”
Phần Lan đang thanh bình là vậy mà bỗng chốc ập tới với nỗi lo chống đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 4/4, số ca dương tính với Covid-19 tại đây đã lên tới con số hơn 1.600 người, hơn 170 người nặng phải nhập viện và 19 người tử vong. Lệnh phong toả toàn vùng Uusimaa gồm 26 thành phố, kể cả thủ đô Helsinki nhanh chóng được ban ra, không một sự phản kháng, không một lời bàn tán bởi nỗi lo về dịch bệnh còn lớn hơn nỗi lo bảo vệ quyền tự do đi lại mà Hiến pháp đã ban tặng cho mỗi người dân.
Gần 250.000 người dân Phần Lan ở khắp nơi trên thế giới cả từ các vùng dịch ồ ạt đổ về nước để lánh nạn, chồng thêm cho Chính phủ nỗi lo chống lây nhiễm từ bên ngoài. Chính phủ mở kho dự trữ vật tư thiết bị y tế, đóng cửa phần lớn trường học, kêu gọi công sở làm việc trực tuyến, tăng cường khả năng xét nghiệm nhanh và tuyên truyền mạnh mẽ giãn cách xã hội, khuyến cáo không tụ tập trên 10 người, thường xuyên rửa tay để giảm thiểu việc lây lan của Covid-19.
Đầu tháng 3, trong khi người địa phương vẫn còn ít để ý đến Covid-19 thì cộng đồng ta lại ý thức hơn rất nhiều. Người Việt ở Phần Lan dường như đang dồn hết tình cảm ủng hộ quê hương chống dịch bỗng chốc nhận ra Covid-19 cũng đang gõ cửa từng nhà tại quê hương thứ hai này. Hội người Việt hoạt động mạnh mẽ, cập nhật tin tức khắp nơi và đều đặn trên trang của hội, kêu gọi nhau chia sẻ khẩu trang, nước xịt khuẩn… như một sự lan toả ấm áp tình người Việt Nam khắp quê hương của ông già Noel.
Covid-19 đến Phần Lan cũng mang đến những nỗi lo khác thường cho các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Phần Lan. Một nỗi lo mơ hồ tràn khắp Ngoại giao đoàn bởi, Phần Lan có chính sách khám chữa y tế gần như miễn phí cho công dân họ nhưng không hề có hỗ trợ nào cho cán bộ, nhân viên ngoại giao trong khi dịch Covid-19 không nằm trong hợp đồng bảo hiểm y tế của phần lớn người nước ngoài sống tại Phần Lan.
Sinh viên Việt Nam tại Phần Lan cũng không nằm ngoài nỗi lo này, nhất là khi dịch lan mạnh khắp châu Âu. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại xứ sở của ông già Noel, đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan liên tục hoạt động. Đó là những cuộc gọi của các em đang lo lắng và mong được về nhà, có em mếu máo báo có triệu chứng ho, sốt và có cả cuộc gọi không giữ được sự bình tĩnh.
Vậy là, bên cạnh các tư vấn chuyên môn về công tác lãnh sự, xuất nhập cảnh, truyền tải các thông tin chính thức theo thông báo từ trong nước, bỗng chốc chúng tôi được vinh dự trở thành tổng đài viên với các vai trò đa dạng như tư vấn viên tâm lý, đại lý vé máy bay, nhân viên y tế về hô hấp, dinh dưỡng… để trấn an các em giữ bình tĩnh và ở lại bởi chúng tôi lo lắng các em có thể nhiễm dịch trên đường về.
Facebook Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan thường xuyên cập nhật các thông tin về dịch Covid-19 cũng như khuyến cáo đối với công dân Việt Nam. |
Một trong những cuộc điện thoại đáng nhớ thời gian vừa qua là từ một cô gái nhất định muốn về Việt Nam vì cho rằng nếu còn tiếp tục ở Phần Lan thì cô ấy có thể sẽ không có cơ hội được chữa trị. Và rằng cô chấp nhận dù nhiễm bệnh trong khi bay, miễn sao về được quê hương. Cô gái đó khẩn thiết đề nghị chúng tôi xin Nhà nước bố trí chuyến bay giải cứu.
Khi đó, tôi chỉ có thể làm gián đoạn sự hoảng hốt của cô bằng cách đặt câu hỏi: "Nếu toàn bộ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán vì lo sợ dịch bệnh và vì chúng tôi cũng là con người có nhu cầu bảo toàn mạng sống giống bạn, chúng tôi hẳn là đã hồi hương ngay từ đầu dịch bệnh xuất hiện rồi, thì liệu bạn có cơ hội gọi điện tới chúng tôi như bây giờ?".
Quả nhiên câu hỏi có tác dụng trấn an ngay lập tức, cô gái đã trở lại bình tĩnh và hiểu rằng cách tốt nhất là nên bình tĩnh ở lại nơi cư trú.
Sát cánh cùng người Việt
Phần Lan là nước Bắc Âu có khí hậu lạnh quanh năm, thời gian tuyết phủ khá dài, mật độ dân cư thưa thớt. Trong điều kiện bình thường, người dân vốn sẵn có lối sống tương đối khép kín, tuyệt đối tôn trọng tự do cá nhân. Trong điều kiện dịch bệnh lại đương nhiên càng phải hạn chế giao tiếp hơn nữa.
Chính vì vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng phương án ứng phó việc một số du học sinh có thể gặp phải tình trạng “xì chét” cao độ khi buộc phải cách ly xã hội theo chính sách chung của Phần Lan. Đây cũng có thể được coi là đặc thù ở địa bàn.
Xen vào các cuộc điện thoại là công việc liên tục kiểm tra các tin nhắn SMS, viber, whatsapp, email, trang Facebook của cơ quan. Bỗng chốc ôm lấy điện thoại suốt ngày trở thành thói quen không thể thiếu của tôi và đồng nghiệp trong thời gian này.
Sau ngày làm việc hết tốc lực, chúng tôi trùng xuống với cảm giác nhớ nhà nhưng không thể về nhà, chúng tôi nhận chỉ đạo ở nhà phải tự tìm cách bảo vệ mình tránh bị phơi nhiễm và cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là bảo hộ công dân.
Chúng tôi ý thức rằng, chúng tôi – cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan sẽ là điểm tựa của mỗi công dân người Việt tại đây, bởi ở ngoài kia có nhiều công dân cần đến chúng tôi. Đó có thể đơn giản chỉ là cần có tiếng nói, trò chuyện ấm lòng khi xa gia đình; rằng chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, phải kết nối, hỗ trợ, để đảm bảo rằng những đồng bào của chúng tôi, các em du học sinh Việt Nam vẫn an toàn, rằng Đại sứ quán chính là sự hiện diện của quê hương thân thương luôn cùng sát cánh với bà con, với các em trong cuộc chiến chống sự lan tràn của đại dịch.
Chúng tôi cảm thấy thiêng liêng hơn bao giờ hết về sự quan trọng bé nhỏ của chúng tôi với tư cách là cán bộ ngoại giao, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ công tác ở nước ngoài và trực tiếp trải nghiệm một thời kỳ khó khăn đi vào lịch sử như hiện nay.
Những tháng ngày này chính là sẽ tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ về sự đoàn kết, nhẫn nại và tình cảm, làm nên một nhiệm kỳ đáng nhớ cho tất cả cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao chúng tôi.