📞

Covid-19 khiến kinh tế Ấn Độ mất thêm 3 năm để vượt Nhật Bản

Việt An 16:35 | 24/03/2021
TGVN. Theo báo cáo gần đây của Bộ phận ngân hàng đầu tư thuộc Bank of America (BofA Securities), Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2031, chậm hơn 3 năm so với dự báo trước của ngân hàng này là năm 2028.
Kinh tế Ấn Độ vẫn sẽ mất đi vĩnh viễn khoảng 10% sản lượng so với kịch bản không bùng nổ đại dịch. (Nguồn: Economic Times)

Các nhà kinh tế của BofA Securities viết trong báo cáo rằng, lý do cho sự chậm lại trên là vì cú sốc Covid-19.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, Ấn Độ sẽ đạt mức GDP danh nghĩa của Nhật Bản tính theo đồng USD vào năm 2031, nếu nước này tăng trưởng ở mức 9% hàng năm - với giả định tăng trưởng GDP thực tế là khoảng 6%, tỷ lệ lạm phát trung bình là 5% và đồng nội tệ mất giá 2%.

Trong trường hợp mức tăng trưởng đạt 10% thì Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản vào năm 2030.

Tuy nhiên, báo cáo của BofA Securities cho hay, các động lực mang tính cơ cấu cho tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đang được củng cố. Chúng bao gồm tăng trưởng tài chính theo chiều sâu hơn, sự xuất hiện của thị trường đại chúng (chỉ thị trường nơi hàng hóa được sản xuất với số lượng lớn cho nhiều người tiêu dùng) nhờ thu nhập tăng và "lợi tức dân số" (chỉ việc một quốc gia tăng trưởng nhanh nhờ tỷ lệ sinh tăng và tỷ lệ tử vong giảm).

Khi tỷ lệ sinh tăng và tỷ lệ tử vong giảm, tỷ lệ phụ thuộc của nhóm dân số già cũng giảm. Xu hướng này cho phép Ấn Độ hướng các nguồn lực hạn chế sang các lĩnh vực khác để có thể tăng tốc độ phát triển.

BofA Securities cho biết, nguồn cung lao động tăng sẽ kéo tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ đi xuống trong 10 năm. Điều đó được kỳ vọng sẽ giúp duy trì tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao cho nước này.

Ngoài ra, tỷ lệ tín dụng/GDP của Ấn Độ cũng dự kiến sẽ tăng trong thập niên tới, trong khi sự xuất hiện của thị trường đại chúng sẽ giúp đẩy giá hàng hóa đi xuống.

Báo cáo cũng lưu ý, có hai yếu tố mới dự kiến sẽ hỗ trợ những thay đổi cấu trúc và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Thứ nhất, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI -ngân hàng trung ương) đã mở rộng kho dự trữ ngoại hối trong nước, qua đó có khả năng ổn định đồng nội tệ Rupee và ngăn đồng tiền này mất giá lớn trong các cú sốc toàn cầu.

Bên cạnh đó, RBI cũng sẽ ghi nhận dòng vốn đầu tư lớn hơn, đồng thời giảm chi phí đi vay đối với các công ty Ấn Độ.

Theo BofA Securities, việc RBI duy trì nới lỏng chính sách sẽ giúp giảm lãi suất cho vay thực tế, vốn là lực cản đối với tăng trưởng kể từ năm 2016.

Ấn Độ đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế do lệnh phong tỏa kéo dài hồi năm ngoái để phòng dịch Covid-19. Dù nền kinh tế đang hồi phục, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P cho biết, kinh tế Ấn Độ vẫn sẽ mất đi vĩnh viễn khoảng 10% sản lượng so với kịch bản không bùng nổ đại dịch.

(theo CNBC)