Mỹ tiêm Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi từ tuần này. (Nguồn: AFP) |
Theo điều phối viên ứng phó đại dịch Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients, hàng triệu liều vaccine dành cho trẻ em ở nhóm tuổi trên sẽ được chuyển đến các trung tâm phân phối vaccine trong vài ngày tới.
Ông Zients cho biết, chính phủ liên bang đã mua đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ 28 triệu trẻ em đủ điều kiện, đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Zients cho rằng, chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ chỉ hoạt động hết công suất từ ngày 8/11 tới.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) trước đó đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây sẽ là mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên cho trẻ em tại Mỹ.
Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vẫn cần tư vấn về việc tiêm chủng như thế nào, vấn đề sẽ được quyết định sau cuộc thảo luận của một nhóm các nhà cố vấn vào ngày 2/11. Theo ông Zients, sau khi CDC Mỹ ra quyết định, các bậc phụ huynh có thể đưa con em đi tiêm chủng.
Cùng ngày, Bahrain cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Quốc gia vùng Vịnh đưa ra quyết định trên sau khi kết quả thử nghiệm vaccine này đối với 3.100 trẻ em ở nhóm tuổi từ 5-11 cho thấy hiệu quả lên đến 90,7%. Không có trường hợp nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.
Theo kế hoạch, Bahrain sẽ nhận được vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em của hãng Pfizer/BioNTech từ đầu năm 2022.
Trong khi đó, tại Israel, dữ liệu ban đầu về hiệu quả mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech được Bộ Y tế nước này công bố mới đây cho thấy, nguy cơ biến chứng nặng giảm đáng kể ngay sau khi tiêm. Tuy nhiên, kết quả này còn cần nghiên cứu sâu để kiểm chứng.
Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9 vừa qua, giai đoạn biến thể Delta của virus SARS-CoV-22 lây lan mạnh, các nhà nghiên cứu tại Israel theo dõi hơn 1,4 triệu người đã tiêm hai 2 mũi vaccine trước đó ít nhất 5 tháng, một nửa trong số đó đã tiêm mũi thứ ba ít nhất một tuần trước khi tham gia nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những người được tiêm mũi tăng cường giảm tới 93% nguy cơ phải nhập viện liên quan tới Covid-19, giảm 92% nguy cơ bệnh nặng và 81% nguy cơ tử vong so với nhóm đối chứng. Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 52. Hai nhóm đối tượng có lối sống và tình trạng sức khỏe tương tự nhau.
Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí The Lancet. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát, do đó các dữ liệu chưa thể chứng minh được nguyên nhân và kết quả.
Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ của mũi vaccine bổ sung vẫn chưa rõ ràng khi các đối tượng tham gia thử nghiệm không được theo dõi trong hơn 2 tháng và 50% những người này chỉ được theo dõi trong chưa đầy 2 tuần.
Trước đó, ngày 14/10, các quan chức y tế Israel đã khuyến nghị rằng mũi bổ sung vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech giúp nâng cao khả năng ngăn chặn biến chứng nặng đối với những người từ 40 tuổi trở lên.
Theo TS. Sharon Alroy-Preis, Giám đốc Dịch vụ y tế công thuộc Bộ Y tế Israel, chương trình tiêm vaccine bổ sung, hiện đã được triển khai với khoảng 50% dân số Israel, đang bắt đầu có hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm dịch Covid-19.
| Covid-19: Ngoại trưởng Iran mắc bệnh, quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine Novavax của Mỹ Ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Iran xác nhận, Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian đang phải cách ly sau khi truyền thông địa phương đưa tin ... |
| Tin thế giới 1/11: Nga-Moldova làm nhiều kẻ tiếc ngẩn ngơ? chính phủ Ukraine xáo trộn lớn; Mỹ úp mở 'miếng bánh ngọt' cho Trung Quốc Quan hệ Nga với Moldova, Mỹ, Sudan, Thượng đỉnh G20, chính trường Ukraine, Bắc Macedonia, bầu cử Hạ viện Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, ... |