Trong ngày 2/4, Quốc vương Malaysia Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah và Hoàng hậu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. (Nguồn: CNA) |
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 2/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 490.288.124 ca mắc Coavid-19, trong đó có 6.172.436 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 425.123.525 người, trong khi vẫn còn 56.270 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 81.813.515 ca mắc và 1.007.989 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới với 43.027.035 ca. Tuy nhiên, Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 660.065 ca. Trong số 5 quốc gia đứng đầu danh sách có số ca mắc cao nhất, 2 nước còn lại là Pháp (25.763.472 ca) và Đức (21.459.975 ca).
Trong ngày 2/4, Quốc vương Malaysia Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah và Hoàng hậu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo thông báo từ Hoàng gia Malaysia, Quốc vương cùng Hoàng hậu chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ của bệnh Covid-19. Hiện cả hai đang tiến hành cách ly theo quy định của Bộ Y tế Malaysia đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận 17.476 trường hợp mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên 4.219.395 người. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 30 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Malaysia lên 35.013 người.
Cũng trong ngày 2/4, giới chức y tế Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đặc khu này đã ghi nhận thêm 116 trường hợp tử vong do Covid-19. Mặc dù vậy, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hong Kong vẫn đang cho thấy đà giảm và theo đó các cơ quan chức năng đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm dịch Covid-19 nghiêm ngặt tại thành phố này.
Tương tự, các trường hợp mắc Covid-19 theo ngày tại Hàn Quốc tiếp tục duy trì ở mức dưới 300.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh biến thể Omicron đang giảm tốc độ lây lan sau khi đạt đỉnh vào tháng trước.
Thông báo của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận 264.171 trường hợp mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, trong đó bao gồm 68 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 13.639.915 người.
Tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đã có tín hiệu tích cực trong những tuần gần đây. Nếu như Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục - hơn 620.000 trường hợp - vào ngày 17/3 vừa qua, thì con số thống kê này đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng là 187.182 trường hợp vào ngày 28/3.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có thêm 339 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 16.929 người. Tỷ lệ tử vong là 0,12%. Hiện nước này đã có 44,5 triệu người được tiêm phòng đầy đủ, tương đương 86,7% trong tổng số 52 triệu dân, trong khi 63,9% đã được tiêm phòng mũi tăng cường.
Ngày càng có nhiều khu vực và quốc gia ở châu Âu bãi bỏ mọi biện pháp hạn chế đi lại. (Nguồn: Dreamstime.com) |
Nhiều nước châu Âu dỡ bỏ các hạn chế đi lại
Tại Trung và Đông Âu, ngày càng có nhiều khu vực và quốc gia ở châu Âu bãi bỏ mọi biện pháp hạn chế đi lại, trong đó có Hungary, Ba Lan, Đan Mạch, Iceland và đảo Madeira của Bồ Đào Nha. Những điểm đến này không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm hoặc xác nhận tình trạng bệnh, thậm chí hầu hết không yêu cầu đeo khẩu trang.
Đan Mạch gần đây đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại, ngay cả đối với những công dân chưa được tiêm chủng từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các nhà chức trách Đan Mạch có quyền áp đặt các hạn chế đối với các quốc gia, nơi xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Du khách cũng sẽ có thể đến hai quốc gia Bắc Âu khác là Iceland và Na Uy - một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ các hạn chế. Theo thông báo của văn phòng du lịch địa phương, "từ ngày 12/2, du khách có thể đi du lịch đến Na Uy mà không phải lo lắng về bất cứ điều gì ngoài giải trí".
Trong khi đó, Iceland đã dỡ bỏ các hạn chế từ ngày 25/2, và không chỉ du lịch mà hầu như trong mọi lĩnh vực khác. Việc tiếp xúc không còn bị hạn chế và không cần cách ly đối với những người mắc Covid-19 đã được xác nhận.
Tại Trung Âu cũng có thể đi du lịch tự do, như từ các nước láng giềng của CH Czech đến Ba Lan và Slovakia, hoặc xa hơn đến Hungary. Ba Lan đã bãi bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng như Đan Mạch. Việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc ở bệnh viện và cơ sở y tế.
Các khu vực và quốc gia châu Âu khác không yêu cầu bất kỳ chứng chỉ hoặc hộ chiếu vaccine nào là Romania, Montenegro, Ireland, Vương quốc Anh và đảo Madeira (Bồ Đào Nha). Ngược lại, nội địa Bồ Đào Nha vẫn yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc xác nhận tình trạng bệnh.
Áo là quốc gia yêu cầu rất nghiêm ngặt giấy chứng nhận khả năng lây nhiễm đối với công dân của tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ.
Nghiên cứu mới ủng hộ việc tiêm vaccine mRNA cho người trên 5 tuổi
Một nghiên cứu mới cho thấy nguy cơ biến chứng tim sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn đáng kể so với các trường hợp gặp phản ứng phụ hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 bào chế theo công nghệ mRNA - bất kể ở mũi thứ nhất, mũi thứ hai hay liều tăng cường, đối với tất cả các nhóm lứa tuổi và giới tính.
Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ngày 1/4 đã phân tích các dữ liệu trên hồ sơ sức khỏe điện tử, thu thập từ 40 hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/1/2022.
CDC Mỹ nhấn mạnh kết quả nghiên cứu trên đã một lần nữa ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 bào chế theo công nghệ mRNA cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm phòng từ 5 tuổi trở lên.
| Ngày 2/4: Hà Nội thêm 7.423 ca Covid-19 mới, trong đó Gia Lâm hơn 1.800 ca Sở Y tế Hà Nội tối 2/4 thông báo vừa ghi nhận thêm 7.423 ca Covid-19 mới trong 24 giờ qua, giảm hơn 300 ca ... |
| Covid-19 ở Việt Nam tối 2/4: Ca mắc mới giảm còn 65.619 ca; hơn 100.000 người khỏi bệnh Ngày 2/4, cả nước có tổng cộng 65.616 ca mắc mới Covid-19 tại 61 tỉnh, thành, cao nhất tại Hà Nội, Đắk Lắk và Nghệ ... |