Các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ liên tục gia tăng. (Nguồn: AFP) |
Đã có những dấu hiệu cho thấy, dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ đang lan sang các quốc gia khác. Một số nước láng giềng như Nepal và Sri Lanka cũng đã báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi các nền kinh tế khu vực khác bao gồm HongKong (Trung Quốc) và Singapore đã chứng kiến các trường hợp Covid-19 trở về nước từ Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ có thể trở thành một vấn đề toàn cầu rộng lớn hơn như thế nào?
Sự xuất hiện của các biến thể mới
Các chuyên gia y tế cảnh báo, các đợt bùng phát lớn kéo dài ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể làm tăng khả năng xuất hiện các biến thể mới của Covid-19. Theo đó, một số biến thể có thể né tránh các phản ứng miễn dịch của vaccine ngừa Covid-19.
TS. Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng của Đại học Brown (Mỹ) nhận định: “Đây là điểm mấu chốt. Chúng tôi biết khi có các đợt bùng phát lớn, các biến thể sẽ phát sinh".
Ấn Độ lần đầu tiên phát hiện biến thể B.1617 hay còn được gọi là ”đột biến kép” vào tháng 10 năm ngoái. Biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Singapore.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại B.1.617 là một biến thể rất đặc biệt, có thể dễ lây lan nhanh hơn, dễ gây chết người hơn, cũng như "trốn tránh" được các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại.
WHO cho hay, cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu hơn về biến thể B.1617.
Nguồn cung vaccine toàn cầu gặp rủi ro
Ấn Độ là quốc gia sản xuất vaccine lớn trên thế giới. Nước này cung cấp hơn 60% lượng vaccine trên toàn cầu và là nơi đặt trụ sở của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế trong nước đã khiến các nhà chức trách phải tạm dừng xuất khẩu vaccine Covid-19 vì nước này ưu tiên phục hồi nhu cầu trong nước.
SII được quyền sản xuất vaccine Covid-19 do AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển và cho Covax, sáng kiến toàn cầu cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước nghèo.
Hiện tại, các nước đang phát triển đang tụt hậu so với các nước tiên tiến trong việc đảm bảo nguồn cung cấp vaccine. Do đó, việc Ấn Độ trì hoãn xuất khẩu vaccine có thể khiến các quốc gia có thu nhập thấp hơn dễ bị tổn thương bởi các đợt bùng phát mới của virus SARS-CoV-2.
Hệ lụy lan truyền
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và là nước đóng góp chính vào tăng trưởng toàn cầu. Không chỉ lớn về dân số hay diện tích, vai trò đáng kể của Ấn Độ trong hoạt động sản xuất, giao thương quốc tế khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề khi quốc gia này lâm vào khủng hoảng Covid-19.
Một số tổ chức kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.
Yahoo Finance cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong quý II/2021, kéo theo triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi xuống.
Hãng phân tích Oxford Economics cũng đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ từ 11,8% xuống còn 10,2% cho năm 2021. Oxford Economics nhận thấy, các yếu tố như gánh nặng y tế ngày một lớn, tiến độ tiêm chủng vaccine chậm sẽ tạo ra áp lực lớn cho kinh tế Ấn Độ.
Uma Kambhampati, giáo sư kinh tế tại Đại học Reading (Anh) cũng cho rằng, đợt bùng phát Covid-19 mới ở Ấn Độ đã khiến một số quốc gia thắt chặt các hạn chế đi lại và đó là tin xấu đối với các hãng hàng không, sân bay cũng như các doanh nghiệp khác phụ thuộc vào ngành du lịch.
Giáo sư Kambhampati nhấn mạnh: “Với cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng đang diễn ra, thế giới bắt buộc phải nhanh chóng hành động để giúp đỡ Ấn Độ, cho dù sự giúp đỡ đó có được yêu cầu hay không".
Trong khi đó, theo Reuters, Phòng Thương mại Mỹ (USCC) đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Ấn Độ có thể kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống. Phó chủ tịch điều hành Myron Brilliant của USCC cho rằng, nguy cơ này là rất lớn vì nhiều doanh nghiệp Mỹ đang thuê hàng triệu công nhân Ấn Độ.
Ông Brilliant nói: "Tôi cho rằng tình hình có thể sẽ xấu đi trước khi diễn tiến tích cực hơn. Nhiều người đang lo ngại kinh tế Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ".