Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng lây nhiễm Covid-19 tại Manila, Philippines. (Nguồn: THX) |
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế một phần tại thủ đô Manila tới cuối tháng 3 trong khi quốc gia này chờ được bàn giao vaccine phòng Covid-19.
Cụ thể, trong thông báo đưa ra ngày 27/2, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque cho biết các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila sẽ kéo dài thêm 1 tháng, qua đó hạn chế các hoạt động kinh doanh và giao thông công cộng.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Philippines ghi nhận thêm 2.651 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất được ghi nhận trong hơn 4 tháng qua tại quốc gia này.
Ngoài Manila, các thành phố gồm Davao ở miền Nam và Baguio ở miền Bắc Philippines cũng đang áp dụng các biện pháp tương tự.
Hiện Philippines là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tổng số ca nhiễm và tử vong. Thủ đô Manila và nhiều tỉnh, thành đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian dài, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của cả nước.
Tổng thống Duterte từng cam kết duy trì các biện pháp hạn chế tại thủ đô, nơi được coi là tâm dịch của cả nước, cho tới khi triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Philippines là quốc gia cuối cùng trong khu vực tiếp nhận lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, gồm 600.000 liều vaccine của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc), dự kiến bàn giao trong ngày 28/2. Đối tượng được ưu tiên tiêm chủng là nhân viên y tế và binh lính.
Trong khi đó, ngày 27/2, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo thành lập tiểu ban an ninh và quản lý trật tự để giám sát tất cả các trung tâm cách ly Covid-19 trên toàn quốc.
Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng xác nhận tiểu ban này, trực thuộc ủy ban liên bộ phòng chống dịch Covid-19, có trách nhiệm giám sát, đánh giá và tham vấn về mọi vấn đề liên quan đến an ninh và sự ổn định tại các trung tâm cách ly Covid-19 tại Campuchia.
Tiểu ban này do Tướng Hun Manet - Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia đứng đầu, với 5 phó chủ tịch và 8 thành viên. Tiểu ban có trách nhiệm đảm bảo rằng những tiêu chuẩn và quy định của Bộ Y tế Campuchia về phòng chống dịch Covid-19 được tất cả mọi người tuân thủ.
Trong trường hợp cần thiết, tiểu ban này có thể sử dụng lực lượng can thiệp tại những khu vực cách ly, hoặc cần phong tỏa để phòng chống dịch.
Quyết định thành lập tiểu ban nói trên là nhằm giám sát hiệu quả và ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba tại Campuchia làm 241 người dương tính với virus SARS-CoV-2 và 77 địa điểm bị phong tỏa, gây ra vụ lây nhiễm nghiêm trọng nhất tại Campuchia cho đến nay.
Tính đến sáng 27/2, Bộ Y tế Campuchia phát hiện thêm 26 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2”. Trong số những ca lây nhiễm liên quan đến sự kiện ngày 20/2 có 21 người ở Phnom Penh và 5 người ở thành phố Sihanoukville (22 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam và 1 người Campuchia).
Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới 766 trường hợp. Tính đến ngày 27/2, tổng số người Việt Nam nhiễm Covid-19 liên quan đến “Sự kiện cộng đồng ngày 20/2” ở Campuchia là 17 người.