Vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga. (Nguồn: AFP) |
Tình hình dịch Covid-19
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 297.190 ca mắc và 4.499 ca tử vong. Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 34.574 ca, trong khi Nga là nước có số ca tử vong cao nhất, với 962 ca.
Ngày 10/10, Giám đốc trung tâm vũ trụ Nga cho biết sẽ dừng việc thử nghiệm động cơ tên lửa tại một trong các văn phòng thiết kế thuộc thành phố Voronezh tới tận cuối tháng để bào tồn nguồn cung cấp oxy cho các bệnh nhân Covid-19.
Ngày 9/10, Nga ghi nhận 28.600 ca nhiễm mới, trong đó có tới 926 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong 1 ngày cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này.
Cho đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 7.746.718 ca nhiễm, trong đó có 215.453 người không qua khỏi.
Hiện nước này đang tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc tiêm chủng vaccine Covid-19.
Liên quan đến vấn đề vaccine, tại cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 10/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định, Liên minh châu Âu (EU) có thái độ thành kiến với vaccine Covid-19 của Nga.
Theo ông Lavrov, từ rất lâu Nga đã tiến hành thảo luận với EU về việc công nhận vaccine Covid-19 của nhau.
Trước đó, Cơ quan quản lý dược phẩm của EU (EMA) đã bị chỉ trích vì chậm trễ trong đánh giá vaccine Sputnik V của Nga.
Theo dữ liệu được công bố trên một số tạp chí khoa học hàng đầu, vaccine Sputnik V đã được chứng nhận đảm bảo an toàn và là một trong những loại vaccine có tỷ lệ hiệu quả cao nhất với virus SARS-CoV-2 hiện nay.
Ngày 10/10, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố người dân đã tiêm phòng đầy đủ sẽ được phép đi lại ở trong và nước ngoài từ ngày 11/10.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Yaakob nhấn mạnh, quyết định này được đưa ra vì 90% dân số trưởng thành của Malaysia đã được tiêm phòng đầy đủ.
Cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban công tư trong tuần tới để thực hiện chiến lược bình thường mới "sống chung với Covid-19".
Hàn Quốc có kế hoạch đưa ra một lộ trình để dần đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, cân nhắc chuyển dần sang giai đoạn sống chung với Covid-19 bắt đầu từ ngày 9/11.
Tính đến ngày 10/10, tổng cộng có 39,92 triệu người, tương đương 77,7% dân số Hàn Quốc, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Số người được tiêm chủng đầy đủ là 30,43 triệu người, tương đương 59,3% dân số.
Thông tin về vaccine Covid-19
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do sự lây lan của biến thể Delta, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc mua vaccine cũng như tích cực triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19.
Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin, nước này sẽ khởi động chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh trên 12 tuổi vào tuần tới.
Ước tính khoảng 1 triệu học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông nhập học trong năm học 2021-2022 sẽ được tiêm vaccine.
Tính đến nay, hơn 4,11 triệu người dân nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong khi đó, Indonesia đã tiếp nhận thêm hơn 2 triệu liều vaccine Pfizer để phân phối trực tiếp đến 12 tỉnh.
Hiện nước này đã nhận được 280.527.920 liều vaccine ở dạng thành phẩm và bán thành phẩm.
Chính phủ Indonesia cho biết sẽ tiếp tục cố gắng đảm bảo nguồn dự trữ vaccine và phân bổ trực tiếp đến các tỉnh trên khắp cả nước, đồng thời kêu gọi người dân sớm đi tiêm chủng và không kén chọn vaccine.
Venezuela cũng mới tiếp nhận 2.594.000 liều vaccine từ cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối.
Số vaccine sẽ được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng đại trà với mục tiêu đến ngày 31/10 có thể tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% dân số.
Hiện đã có khoảng 50% dân số Venezuela được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và trên 20% đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng.
Đến nay, nước này đã ghi nhận 382.266 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 4.406 ca tử vong. Tỷ lệ những người mắc bệnh đã hồi phục là 95%.
Ngày 10/10, cơ quan công tố Ai Cập thông báo đã ra lệnh bắt giữ 3 đối tượng sau khi lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn liều vaccine Covid-19 chưa sử dụng bị vứt bỏ dọc một con kênh dẫn nước.
Số vaccine này đã được phân bổ cho Sở Y tế thành phố Minya, cách Cairo khoảng 220 km về phía Nam.
Theo cơ quan công tố, số vaccine bị vứt bỏ đó biến mất sau khi được một dược sĩ bàn giao cho người lái xe của Bộ Y tế Ai Cập để chuyển tới Sở Y tế Minya.
Ai Cập đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40 triệu người trong tổng số hơn 100 triệu dân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này đã phải vật lộn để tăng tỷ lệ tiêm chủng trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn và một số bộ phận người dân không muốn tiêm vaccine.