Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. (Nguồn: Iamexpat) |
Tình hình dịch Covid-19
* Tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, đặc biệt ởi các nước như Nhật Bản và Indonesia.
Indonesia ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang chuyển biến theo hướng tích cực, với số ca mắc mới trong ngày 4/10 thấp kỷ lục, 922 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 11/6/2020 số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại nước này ở dưới ngưỡng 1.000 ca.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày chỉ ở mức 0,006%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 30% vào giữa tháng 7/2021.
Đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 4.220.206 ca bệnh, trong đó có 142.261 ca tử vong. Chính phủ đang áp dụng linh hoạt các biện pháp hạn chế giữa các địa phương.
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 147 triệu người, trong đó 94,2 triệu người được tiêm ít nhất một mũi và 53 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.
Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ghi nhận 87 ca mắc Covid-19 mới. Đây là ngày đầu tiên kể từ tháng 11/2020, Tokyo ghi nhận số ca mắc mới dưới 100 ca/ngày. Theo báo cáo, số các ca mắc mới trung bình trong 7 ngày qua tại Tokyo ở mức 196,7 ca/ngày.
Trong khi đó, ngày 4/10, Nhật Bản cũng ghi nhận ngày có số ca mắc mới thấp nhất từ đầu tháng 7, với 968 ca bệnh. Đến nay, quốc gia Đông Bắc Á đã xác nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 17.730 người không qua khỏi.
Cùng ngày, sau khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, ông Kishida Fumio đã nhấn mạnh nhiệm vụ ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội là cấp bách và ưu tiên hàng đầu.
* Tại châu Âu, Cục Bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga (Rospotrebnadzor) thông báo hủy các sự kiện đại chúng đông người trên toàn nước Nga do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thông báo nêu rõ, chỉ có 2 địa phương ở Nga được phép tổ chức các sự kiện đại chúng từ 1.000-3.000 người tham dự, các khu vực còn lại không được phép tổ chức do tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ.
Các sự kiện đại chúng chỉ được nối lại sau khi có quyết định từ cơ quan vệ sinh dịch tễ quốc gia, tùy thuộc diễn biến dịch bệnh.
Tính đến nay, Nga ghi nhận hơn 7,6 triệu bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 210.801 ca tử vong. Trung bình 7 ngày qua, Nga ghi nhận khoảng 25.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong đó, số ca tử vong luôn ở mức trên 850 ca.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới, với 888 trường hợp không qua khỏi trong tổng số 4.808 trường hợp thiệt mạng trên toàn cầu vì Covid-19 trong ngày.
* Tại châu Phi, Ai Cập đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư, với số ca nhiễm ghi nhận hằng ngày cao gấp 10 lần so với cuối tháng 7/2021.
Đến nay, quốc gia Bắc Phi đã ghi nhận tổng cộng 306.798 ca mắc Covid-19, trong đó có 17.436 ca tử vong.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tổng cộng hơn 16,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được sử dụng ở Ai Cập tính đến cuối tháng 9.
Mỹ mới đây thông báo sẽ gửi tặng hơn 8 triệu liều vaccine của Pfizer và Moderna để hỗ trợ Ai Cập nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19.
Vaccine và tiêm chủng
Ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên và thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai.
Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng, liều tăng cường vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, đồng thời khuyến cáo tiêm mũi Pfizer/BioNTech ít nhất 28 ngày sau mũi thứ hai.
Tuy nhiên, cơ quan trên cũng khẳng định, quyết định cuối cùng liên quan đến mũi tiêm tăng cường phải do cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia đưa ra.
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya cho biết, 70% người trưởng thành của nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 và 25% tiêm đầy đủ hai mũi.
Trong ngày 4/10, Ấn Độ đã tiêm 7,2 triệu liều vaccine phòng Covid-19, nâng tổng số vaccine đã tiêm ở nước này lên hơn 910 triệu liều.
Theo số liệu thống kê của chính phủ, trong tháng 5 qua, Ấn Độ đã tiêm trung bình gần 2 triệu liều/ngày. Con số này đã tăng mạnh lên 7,9 triệu liều trong tháng 9 vừa qua.
Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định, chương trình tiêm chủng là một công cụ để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong nước trước dịch bệnh Covid-19. Chương trình này sẽ tiếp tục được đánh giá và theo dõi thường xuyên ở cấp cao nhất.