Xếp hàng đợi tiêm vaccine Covid-19 trong một trường học được biến thành điểm tiêm chủng hoạt động 24/7, ở Manila, Philippines, ngày 9/8. (Nguồn: Reuters) |
Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 9h sáng 18/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 228.374.017 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.692.275 ca tử vong. Đã có 204.939.504 bệnh nhân Covid-19 phục hồi trong khi 18.742.238 bệnh nhân vẫn đang điều trị.
Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 42.799.617 ca mắc Covid-19, trong số này có 690.712 ca tử vong, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.
* Trong ngày 17/9, một hội đồng cố vấn độc lập của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ 3 – liều tăng cường - của Pfizer/BioNTech cho những người trên 65 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Khuyến nghị này thu hẹp đáng kể so với đề nghị trước đó là sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường đại trà cho toàn bộ những người trên 16 tuổi ở Mỹ.
Theo truyền thông Mỹ, mặc dù khuyến nghị của hội đồng cố vấn không có giá trị ràng buộc đối với FDA, nhưng vẫn cần được tham khảo. Ông Peter Marks thuộc cơ quan quản lý vaccine hàng đầu của Mỹ lưu ý thêm rằng, khuyến nghị có thể được điều chỉnh và tùy theo quyết định cuối cùng của FDA, một ban hội thẩm riêng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ tiến hành họp vào tuần tới để quyết định xem những đối tượng cụ thể nào đủ điều kiện được tiêm mũi 3 và tiêm vào thời điểm nào.
Cùng ngày 17/9, Nhà Trắng thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu vào tuần tới nhằm tìm cách đẩy mạnh các nỗ lực tiêm chủng cho thế giới. Theo thông báo, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9, cùng thời điểm diễn ra hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, tại hội nghị, Mỹ sẽ kêu gọi các nước đưa ra "tham vọng lớn hơn" về một loạt chủ đề như nỗ lực tiêm chủng cho thế giới, tăng nguồn cung cấp oxy và các thiết bị bảo hộ y tế.
Đến nay, Mỹ đã hỗ trợ cho các nước 140 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và đặt mục tiêu có thể hỗ trợ khoảng 500 triệu liều trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, giới chuyên gia mong muốn chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ vaccine mà còn thúc đẩy tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu.
* Liên quan đến vấn đề tiêm mũi tăng cường, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai mũi và dự định sẽ thực hiện kế hoạch này sớm nhất là cuối năm nay. Quyết định trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia của MHLW ngày 17/9 đưa ra kết luận việc tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết khi các nghiên cứu nước ngoài cho thấy hiệu quả của các loại vaccine hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian và một số quốc gia cũng đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Các quan chức của MHLW cho biết, các phiếu tiêm vaccine sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2. Nhóm chuyên gia của MHLW sẽ thảo luận ưu tiên tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng nào trước trên cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm ở các nước khác.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng của Nhật Bản chủ yếu sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hai hãng Pfizer Inc. và Moderna Inc. Tuy nhiên, ngày 23/8, MHLW bắt đầu cho phép sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca Plc để tiêm cho những người từ 40 tuổi trở lên.
* Trong khi đó tại châu Âu, các chuyên gia y tế Italy tuyên bố nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư sau khi tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh trong 2 tuần qua.
Tại cuộc họp báo công bố dữ liệu chính thức mới nhất chiều 17/9, ông Silvio Brusaferro, Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS), nhấn mạnh số ca lây nhiễm tại Italy được duy trì ở mức thấp nhờ các chiến dịch tiêm vaccine. Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy Chỉ số lây nhiễm (RT) của Italy đã giảm xuống 0,85 trong 14 ngày (25/8-7/9), từ 0,92 của tuần trước đó. Chỉ số RT dưới 1 có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm đang giảm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nino Cartabellotta, người đứng đầu tổ chức y học Gimbe của Italy cảnh báo, xu hướng giảm số ca lây nhiễm có thể không kéo dài, đồng thời nói thêm trong bối cảnh mùa Thu đến và việc mở cửa trở lại trường học cho 9,4 triệu người, ngoài những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm dù chỉ một mũi vaccine, "vẫn có nguy cơ tái bùng phát dịch và gia tăng số ca nhập viện do Covid-19".
* Tại cuộc họp của Ủy ban tư vấn về Covid-19 của Bỉ ngày 17/9, Thủ tướng Alexander De Croo cho biết kể từ ngày 1/10, Bỉ không bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng nhưng vẫn duy trì quy định này trên các phương tiện công cộng, nhà ga, sân bay và các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ông De Croo đã lên tiếng phản đối những người từ chối tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Theo ông, những người này vừa dễ gây nguy hiểm cho người khác, vừa cản trở việc nới lỏng các hạn chế đang được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Alexander De Croo và các Thủ hiến vùng của Bỉ đã nhất trí trao quyền tự quyết về các biện pháp phòng dịch cho các chính quyền địa phương trên cơ sở có tính đến thái độ của người dân đối với việc tiêm phòng vaccine.
* Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết số người Pháp được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 đã vượt mốc 50 triệu. Pháp và nhiều nước châu Âu đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để sớm khống chế dịch và quay trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí một số quốc gia ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng hoặc bắt buộc xét nghiệm thường xuyên. Hồi giữa tháng 7, Tổng thống Macron cũng ban hành quy định những người muốn đến nhà hàng, phòng tập gym hay bảo tàng phải tiêm vaccine.
* Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine Covid-19 trong một ngày. Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa Covid-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950).
Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 của Ấn Độ, tính đến 19h (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi. Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu mũi vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai.
Như vậy, đây là lần thứ 4 Ấn Độ tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine/ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 71 của Thủ tướng Modi, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền đã yêu cầu các cơ sở của đảng này trên toàn quốc nỗ lực hỗ trợ để đưa một số lượng lớn người đi tiêm.
Cùng ngày, Ấn Độ ghi nhận 34.403 ca mới và 320 ca tử vong trong 24 giờ qua, trong đó riêng bang Kerela chiếm gần 70% số ca nhiễm mới.
* Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Công Thương Nga Vasily Osmakov ngày 17/9 cho biết, Công ty Dược phẩm Nga R-Pharm đã bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 theo giấy phép của Đại học Oxford và AstraZeneca phục vụ cho mục đích xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, ông Osmakov cho biết, đã đảm bảo đầy đủ bằng các sản phẩm vaccine nội địa. Giám đốc điều hành R-Pharm, Vasily Ignatiev hồi tháng 5 thông báo doanh nghiệp này có kế hoạch xuất xưởng lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên vào tháng 6, theo giấy phép của Đại học Oxford và AstraZeneca. Toàn bộ số vaccine sản xuất tại các cơ sở của R-Pharm, với công suất vài trăm nghìn liều mỗi tháng, sẽ phục vụ xuất khẩu.
| Trưa 18/9, Hà Nội thêm 15 ca mắc mới Covid-19, 1 ca cộng đồng ở Long Biên chỉ thường xuyên ở nhà Người phụ nữ Long Biên thường xuyên ở nhà bỗng phát hiện dương tính SARS-CoV-2 sau 5 ngày ho, khó thở. 5 người cùng nhà ... |
| Sáng 18/9, Hà Nội có 2 ca mắc mới Covid-19; Bình Định xuất hiện nhiều ổ dịch khó lường; Quảng Trị thêm 10 ca cộng đồng Tính từ đợt dịch thứ tư (từ 27/4) tổng số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội là 3.886 ca, trong đó số mắc ghi nhận ... |
| Covid-19 ở Việt Nam sáng 18/9: Số ca tử vong giảm, ca nặng vẫn nhiều; TP. HCM thêm nhóm không cần giấy đi đường; Hà Nội sẵn sàng tình huống xấu nhất Trong 7 ngày qua, trung bình số ca nhiễm mới Covid-19 ghi nhận trong nước vẫn là 11.090 ca/ngày, số tử vong trung bình là ... |