Báo cáo của CSIS cho hay, hình ảnh vệ tinh từ cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên từ ngày 12/4 cho thấy, 5 xe chuyên dụng chạy trên đường ray xuất hiện gần Cơ sở làm giàu urani và Phòng thí nghiệm hóa học phóng xạ.
CSIS cho rằng, sự di chuyển của những xe này có thể cho thấy hoạt động vận chuyển vật liệu phóng xạ.
Báo cáo nêu rõ: "Trong quá khứ, các xe chuyên dụng chạy trên đường ray này dường như có liên quan tới hoạt động vận chuyển vật liệu phóng xạ hay các chiến dịch tái xử lý. Hoạt động hiện tại... không loại trừ khả năng chúng đang được sử dụng cho những hoạt động như vậy, dù là trước hay sau một chiến dịch xử lý".
CSIS: Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động tại cơ sở hạt nhân Triều Tiên. (Nguồn: CSIS) |
Jenny Town, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson cho rằng, nếu hoạt động xử lý đang diễn ra, đây sẽ là một diễn biến quan trọng dựa trên các cuộc đàm phán Mỹ - Triều trong năm ngoái.
Bà Jenny Town nói: "Vì không có được một thỏa thuận với Triều Tiên về Yongbyon, đây là một thời điểm gây sự chú ý nếu họ đã sớm bắt đầu điều gì đó sau (thượng đỉnh) Hà Nội".
Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa từ năm 2017, các quan chức Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất các nguyên liệu có thể tách rời có thể được xử lý để sử dụng trong bom.
Hồi tháng trước, một quan chức cấp cao Triều Tiên đã cảnh báo ông Kim Jong-un có thể suy nghĩ lại về việc đóng băng các vụ thử, trừ khi Washington nhượng bộ.
Bà Jenny Town nhận định, mọi hoạt động xử lý mới diễn ra tại Yongbyon cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở này đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, một nghiên cứu của Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế thuộc Đại học Stanford, được công bố trước hội nghị thượng đỉnh Hà Nội cho hay, Triều Tiên đã tiếp tục sản xuất nhiên liệu bom trong năm 2018 và có thể đã sản xuất đủ trong năm qua để bổ sung thêm tới 7 vũ khí hạt nhân vào kho vũ khí. Các chuyên gia ước tính quy mô kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên rơi vào khoảng 20 tới 60 đầu đạn.