Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura. (Ảnh: NVCC) |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Thái Lan, theo lời mời của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và tham dự Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, được tổ chức tại Bangkok, từ ngày 16-19/11. Đại sứ đánh giá thế nào về chuyến thăm này?
Tuần lễ cấp cao APEC là hội nghị đa phương cấp Chính phủ đầu tiên sau đại dịch Covid-19. Thái Lan đăng cai tổ chức tuần lễ, với chủ đề “Mở, Kết nối và Cân bằng”. Khái niệm bao quát của đất nước về APEC 2022 sẽ xoay quanh mô hình BCG (mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh).
Các mục tiêu của Thái Lan về kinh tế BCG sẽ được các nhà Lãnh đạo APEC thông qua tại Bangkok.
Hội nghị này được kỳ vọng là cơ hội tuyệt vời để Thái Lan và Việt Nam, những thành viên tích cực của ASEAN và tiểu vùng Mekong, củng cố mối quan hệ hợp tác với các nền kinh tế APEC - động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới nhằm đạt được cân bằng và bền vững hơn sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh tham dự các cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dự và có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2022 với chủ đề "Tương lai của Thương mại và Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương".
Ở khía cạnh song phương, chuyến thăm này đánh dấu một mốc quan trọng khác đối với quan hệ Thái Lan - Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam đến Thái Lan sau đại dịch. Đồng thời, Việt Nam là nước đầu tiên thăm chính thức Thái Lan trong Tuần lễ cấp cao APEC.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha để thảo luận về chặng đường sắp tới nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ chứng kiến việc ký kết 6 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ quan trọng. Cụ thể là: Kế hoạch Hành động Thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam - Thái Lan 2022-2027; Hiệp định Tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự giữa nước Việt Nam và Thái Lan; Biên bản ghi nhớ về việc Thiết lập mối quan hệ Thành phố kết nghĩa giữa Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam và tỉnh Khon Kaen, Thái Lan; Biên bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ban Thương mại Thái Lan; Hợp đồng Tín dụng Ngân hàng của Bên mua (50 triệu USD) giữa Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Bank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ yết kiến Quốc vương Thái Lan. Đây được coi là cuộc gặp cấp cao nhất giữa cả hai nguyên thủ quốc gia.
Một gian hàng Việt Nam tại hội chợ hàng Việt tại Thái Lan. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Theo Đại sứ, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thúc đẩy quan hệ song phương như thế nào?
Chuyến thăm sẽ tạo động lực to lớn cho quan hệ song phương giữa hai nước một cách toàn diện và sâu rộng. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Thái Lan và Chủ tịch nước Việt Nam sẽ tạo tiền đề vững chắc cho kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Cuộc họp Nội các chung lần thứ 4 sắp tới sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, các Bộ trưởng của Việt Nam sẽ có cuộc gặp với các Bộ trường Thái Lan và thảo luận về việc tăng cường hợp tác từng lĩnh vực cụ thể giữa hai nước.
Bên cạnh cuộc hội đàm giữa Chính phủ với Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam vào ngày 17/11 và thăm Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan để quảng bá hàng Việt cho người tiêu dùng tại “xứ sở chùa Vàng”. Vì vậy, chuyến thăm còn góp phần thúc đẩy đầu tư hai chiều.
Ngoài ra, không kém phần quan trọng, về khía cạnh giao lưu nhân dân và văn hóa, trong chuyến thăm, Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam và Phu nhân Thủ tướng Thái Lan sẽ thăm một số địa danh lịch sử và văn hóa ở Bangkok và tỉnh Ayutthaya như chùa Wat Samananam Borihan. Ngôi chùa này được xây dựng từ thời trị vì của Vua Rama III bởi cộng đồng người Việt ở Bangkok.
Có thể khẳng định, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam trên mọi phương diện và đặt ra tầm nhìn cho năm 2026 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Tuần lễ cấp cao APEC 2022 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Bangkokpost) |
Thái Lan kỳ vọng gì về đóng góp của Việt Nam trong Hội nghị cấp cao APEC lần này, thưa Đại sứ?
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của APEC và có cùng quan điểm với Thái Lan về thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2017, Việt Nam đăng cai APEC, hai nước đã chung tay thúc đẩy việc soạn thảo và thông qua Chiến lược APEC về MSMEs xanh, bền vững và đổi mới sáng tạo.
Năm nay, dưới sự Thái Lan đăng cai tổ chức APEC, Việt Nam cũng là nước ủng hộ chính cho chủ đề của chúng tôi, đó là mô hình kinh tế BCG. Đề xuất của Thái Lan về các Mục tiêu BCG của APEC sẽ được các nhà Lãnh đạo tham dự Tuần lễ cấp cao thông qua.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong chờ bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2022.