Chuyến thăm làm việc tại Áo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là kết hợp của ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương. |
Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo từ ngày 5-7/9.
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội diễn ra trong bối cảnh thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực, tổ chức thành công các sự kiện quan trọng, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức thành công Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, kiện toàn nhân sự, lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.
Việt Nam nỗ lực đạt được nhiều thành công trong thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát, phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả vừa duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Về đối ngoại, Việt Nam tiếp tục củng cố, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, tham gia tích cực và hiệu quả tại các cơ chế hợp tác đa phương trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân.
Bên cạnh hình thức trực tuyến, nhiều hoạt động đối ngoại trực tiếp đã bắt đầu được triển khai, khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các quan hệ song phương cũng như tại các cơ chế đa phương.
Về đoàn vào, Việt Nam đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Phó Tổng thống Mỹ, Phó Tổng thống Thụy Sỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Mỹ….
Về đoàn ra, có các chuyến Chủ tịch nước thăm Lào, Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị cấp cao ASEAN về Myanmar tại Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Trung Quốc…
Nâng tầm ngoại giao đa phương
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (Hội nghị) là hoạt động nghị viện đa phương cấp cao nhất, do IPU phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức, với chương trình nghị sự là những nội dung bao trùm, có tính thời sự, cấp thiết trên toàn cầu.
Cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng.
Hội nghị là hình thức biểu thị cao nhất ý chí chính trị, cam kết hành động của những người đứng đầu các cơ quan lập pháp trên thế giới với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế cùng chung tay giải quyết các thách thức vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, luật pháp quốc tế, dân chủ, nhân quyền và bình đẳng giới.
Diễn ra theo cơ chế 5 năm một lần - lần đầu tiên vào năm 2000 tại New York (Mỹ), Hội nghị đã thu hút sự tham dự đông đảo của các Chủ tịch Quốc hội trên toàn thế giới, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch, Tổng Thư ký IPU và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế khác.
Từ Tuyên bố Thiên niên kỷ của Hội nghị lần thứ nhất (năm 2000) về “Tầm nhìn Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm Thiên niên kỷ thứ ba” tới các Tuyên bố cấp cao của 4 Hội nghị được tổ chức vào các năm 2005, 2010, 2015 và phần một của Hội nghị lần thứ 5 tổ chức trực tuyến năm 2020 đã thể hiện ý nghĩa và những đóng góp quan trọng của Hội nghị trong đời sống chính trị quốc tế, mở ra sự phát triển mạnh mẽ của các cơ chế hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc, đồng thời minh chứng cho sức sống của chủ nghĩa đại nghị và hợp tác liên nghị viện đa phương trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều biến động.
Hội nghị lần thứ 5 được tổ chức trực tiếp tại Áo trong bối cảnh thế giới và các nước châu Âu bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Với chủ đề “Sự lãnh đạo của Nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái đất”, các Chủ tịch Nghị viện sẽ tập trung xem xét, thảo luận về các vấn đề nóng, cần được ưu tiên giải quyết, như: Ứng phó toàn cầu với đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chống lại thông tin sai lệch, sự tham gia của giới trẻ vào chính trị và bình đẳng giới..
Hội nghị lần này có ý nghĩa rất đặc biệt đối với sự phát triển của ngoại giao nghị viện, củng cố vai trò của IPU, làm sống động, nâng tầm ngoại giao đa phương sau một thời gian dài gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Dự kiến, khoảng 114 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, 30 Phó Chủ tịch Quốc hội đến từ 104 nghị viện thành viên IPU, 7 thành viên liên kết và 10 quan sát viên tham dự Hội nghị. Hội nghị sẽ thông qua bản Tuyên bố về chủ đề chính của Hội nghị. |
Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 diễn ra tại Vienna, Áo từ ngày 5-7/9. (Nguồn: vindobona.org) |
Quốc hội Việt Nam - thành viên tích cực
Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên IPU vào tháng 4/1979. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế, khu vực đánh giá cao.
Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước được thiết lập, tăng cường. Quốc hội Việt Nam thường xuyên cử Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự các kỳ Hội nghị Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới kể từ năm 2000 tới nay.
Năm 2000, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu tham dự Hội nghị tổ chức tại New York.
Sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội tiếp tục thể hiện chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, cũng như góp phần tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Năm 2005, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ 2 tại New York, Mỹ.
Đoàn Việt Nam đã cùng các đại biểu quốc tế trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của Nghị viện đối với Liên hợp quốc và các hoạt động quốc tế, từ đó nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp nhằm thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế. Chủ tịch Nguyễn Văn An đã phát biểu về quan hệ đối tác nghị viện toàn cầu vì các mục tiêu phát triển bền vững tại Hội nghị.
Năm 2010, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị lần thứ 3 tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ.
Hội nghị đã thảo luận, đánh giá về tình hình thực hiện MDGs; về xây dựng chuẩn mực nghị viện toàn cầu, “Hướng tới 2015: cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tăng cường sự tin tưởng giữa Nghị viện và nhân dân”.
Năm 2015, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu. Tuyên bố của Hội nghị đề cập điều kiện tiên quyết bảo đảm cho dân chủ và phát triển bền vững là hòa bình và an ninh, lên án khủng bố, bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, kêu gọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại và thương lượng chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.
Năm 2020, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự phiên họp trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu về chủ đề chung của Hội nghị. Tuyên bố chung đã được Hội nghị thảo luận thông qua, kêu gọi giải pháp toàn cầu đối với các vấn đề toàn cầu, tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế, bày tỏ tin tưởng vào vai trò của Liên hợp quốc.
Tuyên bố cũng nêu cao vai trò của giới trẻ trong nghị viện, vấn đề đổi mới công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghị trường trong bối cảnh đại dịch.
Năm 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu sẽ tham dự phiên họp trực tiếp của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội sẽ tham gia các phiên thảo luận toàn thể và thảo luận chuyên đề về những nội dung quan trọng bao gồm phát triển bền vững, tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương trong hợp tác chống Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế đấu, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Áo là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang châu Âu sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19 với các hoạt động ngoại giao chủ yếu theo hình thức trực tuyến.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo IPU, một số Chủ tịch Nghị viện các nước tham dự Hội nghị; Chủ tịch Hội đồng quốc gia Áo, đại diện các tổ chức quốc tế, gặp gỡ các doanh nghiệp Áo đang có dự án hợp tác hoặc có tiềm năng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng, viễn thông, công nghệ thông tin…
Nếu như Đại hội đồng AIPA 42 (diễn ra từ 23-25/8) là hoạt động đối ngoại đa phương theo hình thức trực tuyến đầu tiên mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự thì chuyến thăm, làm việc tại châu Âu lần này là hoạt động đối ngoại đa phương và song phương trực tiếp đầu tiên của Chủ tịch quốc hội, “mở màn” cho các hoạt động ngoại giao trực tiếp của Quốc hội Việt Nam.
Chuyến thăm, làm việc cũng là sự kết hợp của ngoại giao nghị viện và ngoại giao nhà nước nhằm đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau khi kết thúc các hoạt động nghị viện đa phương và song phương tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Liên minh châu Âu (EU) tại Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Phần Lan. |