Đại sứ có thể chia sẻ mục đích, ý nghĩa cũng như những nội dung trọng tâm của chuyến thăm?
Đây là chuyến thăm Campuchia lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư, sau chuyến thăm lần thứ nhất vào tháng 12/2011.
Chuyến thăm này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia cho thấy Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước, nhất là sau khi quan hệ ngoại giao chính thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc trưởng Norodom Sihanouk thiết lập vào ngày 24/6/1967.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Phnom Penh tháng 12/2011. (Nguồn TTXVN) |
Đặc biệt, chuyến thăm nhằm khẳng định, Việt Nam luôn quán triệt phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” trong quan hệ hai nước, vốn đã được lãnh đạo hai bên nhất trí kể từ năm 2005. Chuyến thăm mang tính lịch sử đến Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, phù hợp với thời kỳ mới trong sự phát triển quan hệ song phương.
Nội dung trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quốc vương Norodom Sihamoni và các cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư với các nhà lãnh đạo khác của Campuchia sẽ tập trung vào việc đánh giá quan hệ hai nước trong 50 năm qua, nhất là trong tình hình mới; thảo luận các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới; tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai bên, bao gồm quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng cùng nhiều lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
Dự kiến, hai bên sẽ ra Tuyên bố chung về chuyến thăm và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực, ngành nghề mà hai bên có cùng lợi ích.
“Chuyến thăm mang tính lịch sử đến Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, phù hợp với thời kỳ mới trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước”. Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Thạch Dư |
Thưa Đại sứ, đâu là những điểm nhấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Campuchia trong suốt 50 năm qua?
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1967 là một “sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong thư gửi Quốc trưởng Norodom Sihanouk.
Nhìn lại 50 năm qua, chúng ta hết sức vui mừng và tự hào về sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc láng giềng Việt Nam và Campuchia. Trải qua thăng trầm của lịch sử trong nửa thế kỷ qua, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, cùng chia ngọt sẻ bùi, vượt qua những chặng đường hy sinh gian khổ trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất và giành lại quyền sống của người dân.
Trong quá trình đoàn kết đấu tranh này, đặc biệt là cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Campuchia Dân chủ, do tập đoàn Pol Pot đứng đầu, tại Campuchia và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ tàn bạo này, biết bao chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và những người Campuchia yêu nước chân chính đã ngã xuống để có ngày hôm nay.
Để đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới trong giai đoạn tiếp theo, hai bên cần phải đẩy mạnh triển khai các mảng hợp tác quan trọng nào, thưa Đại sứ?
Để quan hệ láng giềng, hữu nghị Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp, nâng lên tầm cao mới sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước cần tiếp tục thường xuyên tiến hành trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như giữa các Bộ, ngành, địa phương, nhằm củng cố thêm sự tin cậy giữa các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Đồng thời, hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, đáp ứng tình hình mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, nhất là đưa các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa - xã hội, du lịch, an ninh - quốc phòng… giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp đang có.
Hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt gần ba tỷ USD. Hai bên đang phấn đấu để sớm đạt được mục tiêu năm tỷ USD. Về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đang có khoảng 190 dự án được cấp phép trên nhiều lĩnh vực với số vốn đăng ký gần 2,9 tỷ USD. Việt Nam cũng là nước có số khách du lịch sang Campuchia nhiều nhất với 960.000 lượt người trong năm 2016.
Đây là những kết quả đáng ghi nhận và khích lệ. Nhưng tôi cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Hai bên cần nỗ lực biến những tiềm năng trên thành hiện thực.
Đền Angkor Wat. |
Ngoài ra, hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa cũng cần phải được hai bên tiếp tục quan tâm thúc đẩy. Đã có những điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực này. Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia và Campuchia cũng giúp đào tạo sinh viên Việt Nam theo nhu cầu của các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam. Với tinh thần láng giềng tốt của nhau, Việt Nam đã dành cho các bệnh nhân Campuchia sang khám chữa bệnh tại Việt Nam và được hưởng mức lệ phí như người Việt Nam.
Hợp tác trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng giữa hai nước đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa và nay cần được tăng cường. Hai bên tiếp tục cam kết thực hiện chính sách không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để đe dọa an ninh của nước kia. Trên cơ sở các hiệp định, hiệp ước và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đang tích cực phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Đến nay, hai bên đã hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc và quyết tâm cùng nhau sớm hoàn thành công tác này nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Quan hệ giữa nhân dân hai nước cần phải được “tiếp lửa” như thế nào trong thời đại mới để Việt Nam và Campuchia có thể cùng nhau vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức chung, thưa Đại sứ?
Để “tiếp lửa” cho quan hệ giữa nhân dân hai nước, theo tôi, hai bên tiếp tục tạo điều kiện và dành sự đối xử bình đẳng cho kiều dân của nhau như đối với ngoại kiều khác ở mỗi nước, để họ ổn định cuộc sống và đóng góp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Ngoài ra, tôi cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ của mỗi nước hiểu đúng đắn về mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia cũng là nhân tố quan trọng góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác bền vững lâu dài giữa hai nước.
Tình đoàn kết, tình cảm son sắt, tinh thần tương trợ lẫn nhau của hai dân tộc chính là động lực, là sức mạnh để hai nước duy trì và phát triển quan hệ mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Ngoài ra, trong tình hình mới của khu vực và quốc tế hai nước cần tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế để hai nước có thể cùng nhau vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức chung. Trong đó, ưu tiên cho việc phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn như Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayaoadi - Chaophaya - Mekong, ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc... nhằm nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn Đại sứ!