Nhỏ Bình thường Lớn

Cùng tạo dựng sức mạnh mới phát triển tiểu vùng Mekong

Nhận lời mời của đồng chí Vương Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ tám vào ngày 7/12 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cùng tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng và đại diện các nước thành viên MLC, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Cơ chế hợp tác hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) với những lợi thế riêng, được kỳ vọng đem đến xung lực mới cho hợp tác hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong.

Cùng tạo dựng sức mạnh mới phát triển tiểu vùng Mekong
Cơ chế hợp tác hợp tác Mekong-Lan Thương với những lợi thế riêng, được kỳ vọng đem đến xung lực mới cho hợp tác hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong.

Những bước phát triển quan trọng, củng cố lòng tin

Trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do tình hình tăng cường khai thác sử dụng nước và hiện tượng biển đổi khí hậu càng rõ nét trên toàn lưu vực, xu thế gia tăng hợp tác và phát triển của khu vực, các siêu cường liên tục tăng cường ảnh hưởng tại khu vực địa chính trị quan trọng này, cơ chế hợp tác MLC được các bên đánh giá cao và đã được chứng minh bằng chính các bước phát triển quan trọng trong thời gian qua.

Ngay từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HNBT) MLC lần đầu tiên được tổ chức tại Vân Nam, Trung Quốc (11/2015), các Bộ trưởng cơ bản nhất trí các lĩnh vực và nguyên tắc hoạt động của cơ chế hợp tác mới, trong đó đặt ra mục tiêu bao trùm là thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng.

Qua các kỳ Hội nghị, đến HNBT MLC lần thứ bảy (4/7/2022) nhìn chung đánh giá hợp tác MLC đã đạt những kết quả tích cực trên ba phương diện: triển khai hơn 600 dự án hợp tác, đặc biệt là các dự án quan trọng về hạ tầng, đóng góp vào mạng lưới kết nối giao thông khu vực, nhiều dự án vừa và nhỏ được hỗ trợ bởi Quỹ đặc biệt MLC.

Cụ thể, năm 2022, Quỹ đặc biệt MLC đã phê duyệt 128 dự án của sáu nước thành viên; xây dựng hệ thống các trung tâm nghiên cứu, các diễn đàn đối thoại chuyên ngành; và duy trì tiếp xúc trực tiếp thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hội nghị đánh giá cao những đóng góp tích cực của MLC đối với hợp tác và phát triển ở khu vực, góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều giữa các nước Mekong và Trung Quốc năm 2021 đạt gần 400 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020.

Nhiều dự án hạ tầng lớn được hoàn thành; hàng trăm dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai. Các nước thành viên cũng thành lập các trung tâm hợp tác chuyên ngành, tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách thu hút sự tham gia của đông đảo bộ, ngành và địa phương các nước thành viên.

Các Bộ trưởng đặc biệt hoan nghênh những kết quả đạt được trong hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong và phấn đấu để tiếp tục đạt những kết quả thực chất hơn trong tương lai.

Một lần nữa, MLC nhấn mạnh các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cũng như phù hợp với các quy định và luật pháp mỗi nước; đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Ngoài ra, MLC còn hướng tới mục tiêu khác bao gồm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập toàn diện vào kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tình hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân các nước.

Để tiếp nối các thành công và cùng nắm tay chinh phục các nấc thang mới, năm nay, HNBT MLC 8 lấy chủ đề “Cùng nhau nỗ lực hiện đại hóa và tạo dựng sức mạnh mới cho phát triển tiểu vùng” dự kiến tập trung trao đổi ba nội dung chính là Đánh giá tình hình triển khai hợp tác từ HNBT MLC 7 đến nay, Định hướng hợp tác trong thời gian tới và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao MLC 4.

Sông Mekong dài 4.350 km, chảy qua sáu nước, tính từ thượng nguồn gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Lan Thương.

Đóng góp hiệu quả và kỳ vọng về một tiểu vùng phát triển bền vững

Ý tưởng về hợp tác Mekong - Lan Thương với sự tham gia của cả sáu nước ven sông được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc tháng 11/2014, Thủ tướng Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thái Lan và sẵn sàng xem xét việc thành lập cơ chế đối thoại và hợp tác Lan Thương-Mekong.

Ngày 23/3/2016, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất chính thức khởi động Hợp tác Mekong-Lan Thương và thống nhất các định hướng lớn cho cơ chế hợp tác.

Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác MLC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Việt Nam đã chủ động tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng, mang tính định hướng hợp tác và đặc biệt là đã đẩy được hợp tác nguồn nước trở thành một lĩnh vực ưu tiên của MLC.

Các bộ, ngành của Việt Nam cơ bản đã tham gia vào hoạt động của các Nhóm công tác, bước đầu tham gia xây dựng các tài liệu kế hoạch, định hướng hoạt động của từng Nhóm công tác.

Cụ thể, Việt Nam đã phối hợp tích cực với các nước tổ chức HNCC MLC lần thứ ba, HNBT MLC lần thứ bảy; Tổ chức hoạt động kỷ niệm Tuần lễ hợp tác Mekong-Lan Thương thường niên. Hiện có 18 dự án của Việt Nam đã đăng ký thành công và đang trong quá trình triển khai. Năm 2023, Việt Nam đã đăng ký thêm 17 dự án của các bộ, ngành và địa phương; Tham gia họp Nhóm công tác Ngoại giao, tham gia các hoạt động, khóa đào tạo trong khuôn khổ hợp tác MLC.

MLC ra đời đúng vào thời điểm mà vấn đề an ninh nguồn nước trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Năm 2016 đánh dấu một kỷ lục đáng buồn về hạn hán ở sông Mekong khi mực nước tại nhiều khu vực xuống thấp kỷ lục chưa từng thấy trong hàng chục, thậm chí cả trăm năm.

Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, tăng cường hợp tác trong quản lý dòng sông xuyên biên giới Mekong - Lan Thương là ưu tiên cao nhất không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước thành viên khác.

Với sự tham gia của Trung Quốc, MLC được kỳ vọng tạo thêm diễn đàn đối thoại giữa các nước cùng chia sẻ nguồn nước sông Mekong, bổ trợ cho hoạt động của MRC, để cùng bảo vệ dòng sông.

Phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững luôn là những ưu tiên của các nước thành viên. Cơ chế hợp tác MLC, với những lợi thế của mình, đã đem đến xung lực mới cho hợp tác hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng Mekong.

Trong khi đó, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng, là thị trường quan trọng và chất xúc tác cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy, hợp tác trên những lĩnh vực phát triển giữa các nước tiểu vùng và một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được chờ đợi sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế lâu dài và bền vững cho tất cả các bên.

Dù đến sau so với một số cơ chế khác nhưng MLC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, duy trì đà hợp tác luôn là thách thức đối với các cơ chế đa phương, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các thành viên. Trên hết, MLC cần chú trọng hợp tác thực chất, có thể tạo ra những chuyển biến tích cực trong những vấn đề cốt lõi của tiểu vùng, nhất là vấn đề an ninh nguồn nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân bằng tại mỗi nước thành viên.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ bảy ra Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hải quan và tạo thuận lợi thương mại và giao lưu giữa các nền văn minh MLC .

Thứ nhất, phục hồi và phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối, thương mại, kinh tế số, năng lực sản xuất, chuỗi cung ứng tự cường, tạo thuận lợi thương mại và thông quan.

Thứ hai, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên nước, bao gồm thúc đẩy đối thoại chính sách, trao đổi kỹ thuật và nâng cao năng lực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn động vật hoang dã; mở rộng hoạt động chia sẽ dữ liệu nguồn nước; triển khai nghiên cứu chung và tăng cường hợp tác giữa Trung tâm hợp tác tài nguyên nước MLC và Ban thư ký Uỷ hội sông Mekong.

Thứ ba, củng cố an ninh y tế, nhất là nâng cao khả năng kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, năng lực cho đội ngũ y tế và thúc đẩy hợp tác y học cổ truyền.

Thứ tư, giao lưu nhân dân thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch, truyền thông, thể thao, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Tái tạo đô thị và phát triển bền vững

Tái tạo đô thị và phát triển bền vững

Ngày 18/11, Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội với chủ đề “Tái ...

Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong

Hài hoà lợi ích, gia tăng hợp tác ở tiểu vùng sông Mekong

Với tiềm năng phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng, tiểu vùng Mekong đã và đang thu hút sự quan tâm, can ...

'Vẽ' thêm bản đồ du lịch Việt Nam, cùng ASEAN phát triển bền vững

'Vẽ' thêm bản đồ du lịch Việt Nam, cùng ASEAN phát triển bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, ...

Cho một tương lai bền vững hơn ở Tiểu vùng sông Mekong

Cho một tương lai bền vững hơn ở Tiểu vùng sông Mekong

Sáng nay 24/11, Diễn đàn quốc tế Mekong với chủ đề 'Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng ...

Ẩm thực - 'sức mạnh mềm' trong phát triển du lịch Thái Lan

Ẩm thực - 'sức mạnh mềm' trong phát triển du lịch Thái Lan

Chính sách “Thực phẩm Thái, thực phẩm toàn cầu” đã giúp Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 15 thế giới, ...