Bất kỳ biến động nhỏ nào về tỷ giá USD chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới khi các quốc gia được liên kết với hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Thương mại quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào đồng bạc xanh. (Nguồn: Reuters) |
“Làn sóng” xa lánh đồng USD tăng cao trên khắp thế giới, cùng với đó là xu hướng sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại quốc tế. Nhiều quốc gia đang phát triển đã cố gắng thúc đẩy đồng tiền của mình để giao dịch thương mại với các đối tác trong vài năm qua.
Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Nga đang dẫn đầu xu hướng trên và quyết tâm này ngày càng trở nên mạnh mẽ kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Thúc đẩy các đồng nội tệ
Theo tác giả Asjadul Kibria trong bài viết mới đây trên tờ The Financial Express, khi các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu áp đặt một loạt lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga, các đối tác của Moscow gặp khó khăn trong giao thương với quốc gia giàu tài nguyên năng lượng này.
Các biện pháp trừng phạt cũng cắt Nga khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán toàn cầu SWIFT. Vì vậy, không thể giải quyết bất kỳ giao dịch nào với Nga bằng USD - đồng tiền được chấp nhận rộng rãi cũng như được dự trữ hàng đầu thế giới.
Để vượt qua rào cản, các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu sử dụng đồng nội tệ của họ để thanh toán thương mại với Nga. Một số quốc gia khác cũng tham gia “cuộc biểu tình” xa lánh USD. Hơn nữa, các nước này hiện muốn tận dụng cơ hội để từ bỏ đồng tiền của Mỹ.
Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ lệ hàng xuất khẩu của nước này được thanh toán bằng Nhân dân tệ là 14% tính đến tháng 9/2022, tăng mạnh so với chỉ 0,4% trước khi xung đột với Ukraine nổ ra (tháng 2/2022).
Hãng dữ liệu Refinitiv cho biết, các doanh nghiệp Nga cũng phát hành trái phiếu bằng đồng tiền Trung Quốc với quy mô 7 tỷ USD vào năm 2022. Trong tháng 2/2023, Nhân dân tệ - Ruble còn trở thành cặp tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn Moscow.
Trong nhiều năm, các nước đang phát triển đã bày tỏ thất vọng về USD. Họ cũng cho rằng, sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ đã buộc các quốc gia khác phải chịu chi phí cho biến động tỷ giá hối đoái đột ngột, thường bắt nguồn từ việc điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ.
Ví dụ, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát thường làm cho USD mạnh hơn. Để đầu tư vào trái phiếu Mỹ với lợi nhuận cao hơn, các nhà đầu tư quốc tế phải giảm bớt các khoản đầu tư bằng đồng nội tệ của họ.
Do đó, nhu cầu đối với các sản phẩm được định giá bằng đồng USD tăng lên và tỷ giá hối đoái trở nên mạnh hơn theo hướng có lợi cho đồng bạc xanh. USD mạnh hơn có nghĩa là tiền tệ của các quốc gia khác yếu hơn.
Tuy nhiên, điều này có thể không phải lúc nào cũng đúng. Các quốc gia đang phát triển va chạm nhiều nhất với những thay đổi trên thị trường tài chính quốc tế, phải đối mặt với tình trạng này do ngân hàng trung ương của họ giữ nguyên lãi suất. Khi đó, các loại tiền tệ có lãi suất cao sẽ mất giá.
Đồng bạc xanh vẫn giữ vị thế “bá chủ”
Mặc dù vậy, bất kỳ biến động nhỏ nào về tỷ giá USD chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới khi các quốc gia được liên kết với hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Thương mại quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào đồng bạc xanh.
Theo các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ trọng của USD, với tư cách là một đồng tiền lập hóa đơn (loại tiền tệ mà sản phẩm sẽ được lập hóa đơn và thanh toán), gấp 3,1 lần tỷ trọng của nó trong xuất khẩu toàn cầu. Tỷ trọng của đồng tiền Mỹ với tư cách là một đồng tiền lập hóa đơn cũng được ước tính là khoảng 4,7 lần tỷ trọng của nó trong nhập khẩu toàn cầu.
Điều đó có nghĩa là, nhiều nhà xuất, nhập khẩu không phải của Mỹ lập hóa đơn thương mại quốc tế của họ bằng USD. Tỷ trọng của đồng Euro gấp 1,2 lần tỷ trọng xuất khẩu của các nước sử dụng đồng Euro.
Đồng bạc xanh cũng được thiết lập như một “nơi trú ẩn an toàn” khi các nhà đầu tư quốc tế sử dụng nó để phòng ngừa rủi ro tiền tệ trong thời kỳ hỗn loạn mà không loại tiền tệ dự trữ quốc tế nào khác có thể làm được. Mặc dù tỷ lệ USD trong tiền tệ dự trữ giảm xuống khoảng 59% vào cuối năm 2022 từ mức 72% vào năm 2020, nhưng đây vẫn là loại tiền hàng đầu trong hoạt động ngân hàng toàn cầu.
Theo đánh giá hằng quý của Bank of International Studies Quarterly, khoảng 88% dư nợ ngoại hối của tất cả các loại tiền tệ tính đến cuối tháng 6/2022 là USD. Euro là đồng tiền dự trữ lớn thứ hai với tỷ lệ 20,50%, tiếp theo là Yen Nhật (5,50%), Bảng Anh (4,95%), Nhân dân tệ của Trung Quốc (2,70%), CAD (2,40%) và AUD (2,0%). Phần còn lại, là các loại tiền tệ khác, chiếm khoảng 3,4%.
Do đó, vẫn còn rất xa để Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu cho dù một số người đang tranh luận về việc sử dụng nó như một sự thay thế cho đồng bạc của Mỹ.
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nước sử dụng Nhân dân tệ để giao thương với Trung Quốc và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế chưa sẵn sàng chấp nhận Nhân dân tệ như một loại tiền tệ dự trữ quan trọng.
Gây áp lực cho đối tác thương mại nhỏ hơn
Mặc dù các nước đang phát triển đang cố gắng giảm việc sử dụng USD trong thương mại quốc tế, nhưng thay vào đó, hầu hết họ đều quan tâm đến việc thúc đẩy đồng tiền quốc gia của mình. Điều này có thể tạo ra “hiệu ứng tô mì” (spaghetti bawl).
Trong thương mại quốc tế có một thuật ngữ gọi là "hiệu ứng tô mì" thể hiện rằng, một quốc gia tham gia càng nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì quan hệ thương mại với các FTA khác lại giảm đi. Mỗi một sợi mỳ tượng trưng cho một FTA, mỗi FTA có chính sách thuế riêng và cùng với đó là một quy tắc nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Số lượng FTA tăng lên bao nhiêu thì quy tắc nguồn gốc cũng tăng như vậy và chồng lấn lên nhau. |
Hơn nữa, trong cuộc chạy đua sử dụng đồng nội tệ, các quốc gia đang phát triển cũng có thể tạo ra áp lực buộc các đối tác thương mại nhỏ hơn phải sử dụng đồng tiền của mình để giao thương.
Chẳng hạn, Ấn Độ hiện muốn sử dụng Rupee để thanh toán thương mại với Bangladesh. Vì Ấn Độ đã bắt đầu giao dịch bằng đồng Rupee với một số quốc gia khác nên có thể tìm cách để Bangladesh sử dụng đồng tiền này trong các giao dịch quốc tế với các đối tác thương mại chung như Nepal, Sri Lanka và Indonesia.
Tương tự, Trung Quốc có thể lựa chọn làm như vậy. Điều này có thể gây khó khăn cho việc quản lý ngoại hối đối với các quốc gia như Bangladesh.
Một đồng tiền chung khu vực, như Euro chẳng hạn, có thể là lựa chọn tốt hơn khi một số quốc gia đồng ý sử dụng nó trong thương mại nội khối. Nếu các khoản thanh toán thương mại trong khu vực thành công, đồng tiền này có thể được sử dụng cho giao dịch thương mại quốc tế sau này.
BRICS, khối gồm 4 quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã khởi xướng động thái giới thiệu một loại tiền tệ chung. Vấn đề là, ngay cả các quốc gia có sức mạnh kinh tế hơn trong khối hoặc khu vực cũng có thể cố gắng chuyển đổi đồng tiền quốc gia của họ thành đồng tiền chung, điều này có thể không được chấp nhận đối với tất cả các đối tác trong khu vực.
Do đó, động thái từ bỏ đồng USD được cho là sẽ có ít cơ hội thành công trong tương lai gần.