📞

Cuộc chiến chống IS trực tuyến của Mỹ

17:05 | 22/10/2016
Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về Ngoại giao công chúng của Mỹ Richard Stengel đã thảo luận về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội và cách mà Mỹ có thể tận dụng chúng cho các chiến lược của mình.

Bình mới, rượu cũng mới

Cuộc thảo luận, được tổ chức bởi Viện Chính trị - Câu lạc bộ Quadrangle, kéo dài 90 phút chủ yếu tập trung vào công việc của Trung tâm gắn kết toàn cầu (GEC) - một sáng kiến ​​của Bộ Ngoại giao Mỹ về chống chủ nghĩa cực đoan.

Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về Ngoại giao công chúng của Mỹ Richard Stengel (bên trái). (Nguồn: The Chicago Maroon)

Theo ông Stengel, GEC ban đầu là các Trung tâm Chiến lược truyền thông chống khủng bố, được thành lập để phản ứng lại việc al Qaeda chia sẻ video đến khán giả toàn cầu. Khi mối đe dọa của al Qaeda giảm đi và IS bắt đầu xây dựng một bộ máy truyền thông xã hội rộng rãi và hiệu quả thì Trung tâm này phải chuyển trọng tâm và lĩnh vực hoạt động.

Ban đầu, các GEC tập trung vào việc tạo ra các nội dung và chiến lược truyền thông chống khủng bố riêng. Nhưng giờ đây, họ chủ yếu làm công việc khuếch đại tiếng nói của các đối tác toàn cầu, những người phản đối chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, vì các đối tác này có uy tín và có thể gây ảnh hưởng tới phe Hồi giáo cực đoan hơn.

"IS cho rằng phương Tây chống lại đạo Hồi”, ông Stengel nói. "Vì vậy, chỉ một tweet từ vị thứ trưởng Ngoại giao nói với thanh niên Hồi giáo rằng đừng đi chiến đấu ở Iraq hay Syria trên thực tế sẽ gây phản tác dụng".

Cạnh tranh – chiến đấu

Ông Stengel cho biết phương tiện truyền thông xã hội rất cần thiết cho sự lớn mạnh của IS. "Tổ chức này dường như đã trở thành một thương hiệu toàn cầu một phần do nội dung các video mà họ sản xuất thu hút sự quan tâm và thích thú của giới thanh niên", ông nói.

Mặc dù trước đây, các tổ chức khủng bố khác cũng sử dụng kỹ thuật số, nhưng chỉ IS mới thu hút được một lượng khán giả lớn do biết cách kết hợp nỗ lực quân sự và truyền thông. Việc quay lại các trận chiến và các cuộc hành quyết làm cho công chúng thấy lợi thế chiến thắng của IS. Và việc này cũng giúp tổ chức này chiêu mộ thêm các chiến binh nước ngoài.

"Họ có một hãng tin... họ có một mạng lưới truyền thông đến những người mà họ gọi là người hâm mộ", ông Stengel nói.

Những tháng gần đây, truyền thông của IS đã giảm đến 70 - 80% (thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ). Ông Stengel cho rằng đây là chiến thắng của các GEC. Ông nói rằng việc những người điều phối nội dung trên các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội (như ở Telegram và WhatsApp) đã tăng cường cảnh giác hơn với hoạt động của các thành viên IS.

Ông Stengel tin rằng "mối quan hệ giữa ngoại giao, các lĩnh vực thông tin và chiến tranh mạng" sẽ ngày càng trở thành nơi khởi nguồn của các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khi chiến tranh chuyển sang không gian kỹ thuật số, thông tin sẽ trở thành một vũ khí trong xung đột quốc tế.

(theo Chicago Maroon)