Khác biệt tôn giáo (Hồi giáo Shiite và Hồi giáo Sunni) đến lợi ích chính trị, kinh tế trong khu vực vẫn là các yếu tố chính đẩy Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia lớn nhất tại Trung Đông vào cuộc cạnh tranh ảnh hưởng trong nhiều năm qua.
Điểm nóng Beirut
Trong vài tuần qua, Lebanon trở thành “chiến trường” mới nhất của hai nước. Một bên là Chính phủ của Tổng thống Lebanon Michel Aoun, do phong trào Hezbollah thân Iran hậu thuẫn. Phía bên kia “chiến tuyến” là Thủ tướng nước này Saad Hariri, người có mối quan hệ gần gũi với Saudi Arabia.
Một trong những thách thức cho Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman khi nắm quyền là vấn đề Iran. (Nguồn: AP) |
Một năm sau khi hai bên cam kết thành lập Chính phủ ngày 31/10/2016, hướng tới “sự hòa hợp dân tộc” và xoa dịu sự thù địch chính trị đang cản trở tiến bộ của đất nước, hòa bình lại bên bờ vực đổ vỡ. Ngày 4/11, dưới áp lực từ phía Saudi Arabia,
Thủ tướng Lebanon Hariri đã tuyên bố từ chức, phá vỡ chính quyền liên minh của Lebanon, gồm nhiều Bộ trưởng và thành viên Chính phủ từ Hezbollah.
Thật vậy, Riyadh hy vọng rằng động thái này sẽ khiến cho ảnh hưởng của Tehran tại Beirut bị suy giảm. Ông Raphaël Lefèvre, học giả tại Trung tâm Carnegie về vấn đề Trung Đông, nhận định: “Saudi Arabia nghĩ rằng khi nội các Lebanon bị giải thể, Hezbollah và đồng minh sẽ phải từ bỏ các vị trí quan trọng trong Chính phủ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra”. Trên thực tế, động thái này chỉ càng làm cho người dân Lebanon đứng về phía Thủ tướng Hariri, đồng thời tăng cường vai trò của Hezbollah trong những bất ổn vừa qua.
Sau cuộc chiến tại Syria, uy tín của phong trào Hezbollah thân Iran ở Lebanon đã lên tới đỉnh điểm. Vào thời điểm mà an ninh quốc gia bị đe dọa, Hezbollah đã liên minh với Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad và tiến hành nhiều đợt tấn công nhằm vào tổ chức IS và đẩy lùi lực lượng nổi dậy ra khỏi địa bàn lân cận. Còn tại Beirut, Hezbollah chỉ chiếm 11/128 ghế tại Quốc hội, nhưng lại giành được sự ủng hộ của Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội, hai nhân vật then chốt trong bộ máy chính trị.
Trong bối cảnh như vậy, việc Thủ tướng Saad Hariri từ chức chỉ như chất xúc tác cho sự lớn mạnh của Hezbollah. Do đó, nhân ngày Quốc khánh Lebanon (22/11), ông đã đảo ngược quyết định của mình, tuyên bố trì hoãn từ chức và tiến hành hội đàm với Tổng thống Michel Aoun vào ngày 28/11 trên truyền hình. Dẫu vậy, việc vị Thủ tướng theo dòng Sunni “xuống nước”, thay vì duy trì lập trường cứng rắn, cho thấy Saudi Arabia đã mất đi lợi thế trước Iran trong bàn cờ chính trị tại Lebanon.
Không cân sức
Ngoài ra, Beirut không phải là nơi duy nhất Riyadh đang gặp bất lợi trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng với Tehran.
Tại Syria, sự hỗ trợ của Iran về mặt tiền bạc, nhân lực cùng trang thiết bị cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì chế độ này. Bên cạnh đó, nguồn lực của Tehran đã kích thích tinh thần chiến đấu của lực lượng dân quân, giúp quân đội Assad dễ dàng chiêu quân đánh bại IS. Thành công trên tương phản với nỗ lực của Saudi Arabia, khi lực lượng nổi dậy do nước này hậu thuẫn ngày càng trở nên mất phương hướng.
Ở Iraq, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) thân Iran đang phát triển thành một nhánh quân đội lớn mạnh và độc lập, với con số lên tới 120.000 người. Đáng chú ý, nhiều binh lính trong số này sau đó đã gia nhập vào lực lượng quân đội chính quy và được huấn luyện bởi các chuyên gia quân sự Mỹ. Còn tại Baghdad, đảng cầm quyền Hồi giáo Dawa và tổ chức Badr kiểm soát Bộ Nội vụ vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Tehran.
Trong khi đó, những kỳ vọng của Saudi Arabia vào chuyến thăm của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hồi tháng 10 vừa qua đã không thành hiện thực. Bất chấp việc đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Iraq tới Riyadh trong 25 năm qua, quan hệ hai bên chưa đạt được nhiều tiến triển đáng kể mà chỉ là vài cam kết hỗ trợ về mặt tài chính.
Ngay cả ở Yemen, nơi Saudi Arabia trực tiếp can thiệp quân sự, kết quả cũng không mấy khả quan. Lực lượng Houthi và đồng minh, dưới sự hỗ trợ của Iran, chưa thể kiểm soát hoàn toàn khu vực chiếm đóng, trong đó có eo biển chiến lược Bab el-Mandeb. Trong khi đó, Riyadh đang sa lầy trong một cuộc chiến tốn kém, khi viện trợ của Iran cho lực lượng nổi dậy tại Yemen là không đáng kể. Những lời chỉ trích, tố cáo Iran đứng sau vụ phóng tên lửa nhắm vào Saudi Arabia cũng không thể gỡ gạc lại thể diện cho Quốc vương Salman.
Thậm chí, cấm vận mà phía Saudi Arabia và ba nước vùng Vịnh khác áp đặt lên Qatar không khiến Doha từ bỏ quan hệ ngoại giao với Tehran. Có thể nói rằng bên cạnh chính sách ngoại giao độc lập, lợi ích đến từ việc bang giao với Iran là lý do khiến cho Qatar từ chối “cúi mình” trước sự bao vây của các nước.
Trong bối cảnh đó, việc Thái tử Mohammed Bin Salman lên nắm quyền có thể sẽ là luồng gió mới, xoay chuyển tình thế của Saudi Arabia trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với Iran trong khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi Thái tử Mohammed Bin Salman phải nỗ lực không ít để có thể khôi phục vị thế và ảnh hưởng của Saudi Arabia tại khu vực Trung Đông luôn nóng bỏng này.