Nhỏ Bình thường Lớn

Cuộc chiến ngân sách và "lỗ hổng" của nước Mỹ

16 ngày đóng cửa Chính phủ, thiệt hại 24 tỷ USD, nền kinh tế giảm 0,6% GDP. Tổng thống Obama cho rằng, đã không có ai giành chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nước Mỹ vừa trải qua một cuộc khủng hoảng vô nghĩa.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối việc Chính phủ đóng cửa.

Cuối cùng thì ngày 17/10, hàng trăm nghìn nhân viên các công sở liên bang Mỹ đã quay trở lại làm việc sau những ngày nghỉ bất đắc dĩ. Thỏa thuận ngân sách đã cứu nước Mỹ thoát hiểm vào phút chót, tuy nhiên, dự luật mới chỉ thông qua một ngân sách tạm thời tới 15/1/2014 và gia hạn quyền vay nợ của Mỹ tới 7/2/2014. S&P nhận định, đó cũng mới chỉ là một giải pháp tạm thời và chính phủ Mỹ sẽ sớm tiếp tục đối mặt với nguy cơ đóng cửa trở lại vào đầu năm tới, khi thời hạn của giải pháp tài chính này kết thúc. Nhiều ý kiến từ phía cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về nguy cơ "thảm kịch" tái diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn.

Bi hài kịch hạ màn

Phát biểu với báo giới sau khi ký đạo luật chi tiêu ngân sách, Tổng thống Barack Obama thừa nhận, người dân Mỹ đã "chán ngấy" với chính trường ở Washington và nền kinh tế Mỹ cũng đã phải hứng chịu những thiệt hại lẽ ra không đáng có.

Như vậy, việc Chính phủ đóng cửa và rủi ro vỡ nợ được lấy ra để làm con tin đe dọa lẫn nhau và được đảng Cộng hòa sử dụng như một chiêu bài để phản ứng các chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama từng đề xuất.

Trong toàn bộ quá trình tranh luận gay gắt của lưỡng đảng về ngân sách, đại đa số người dân nước Mỹ bị bỏ ngoài cuộc. Khi các chính trị gia đang bàn luận về việc cắt giảm hai chương trình xã hội quan trọng ở Mỹ, vốn là hai chương trình hỗ trợ hàng triệu người nghèo, thì không hề có bất cứ tiếng nói đại diện nào từ hai đảng, hoặc một đại diện dám lên tiếng thông qua các hãng truyền thông. Đây là sự kiện từng có tiền lệ ở nước Mỹ, cho thấy "lỗ hổng" của nước này.

Tệ hơn cả châu Âu!

Liên tiếp tranh cãi và không thể đạt được thỏa thuận, "quả bóng" trần nợ và mở cửa chính phủ được đá qua đá lại - giống hệt những gì đã diễn ra ở châu Âu. Từ lâu nay, các chính trị gia nước Mỹ vẫn chỉ trích những người đồng cấp ở châu Âu bởi họ không giải quyết được những bất đồng về chính trị và khiến cuộc khủng hoảng rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, Washington đã cho thấy họ cũng không hơn gì Brussels.

Nền kinh tế Mỹ có vẻ đang phục hồi với tăng trưởng hứa hẹn ở mức 2,7% trong năm 2014. Nhưng theo S&P, với chỉ 16 ngày vừa qua đã khiến niềm tin tiêu dùng rơi xuống mức thấp nhất 9 tháng và tăng trưởng GDP quý IV có thể sụt giảm 0,6%. Và nước này vẫn có thể phải đối mặt với một đợt đóng cửa mới trong tương lai không xa.

Nếu ở châu Âu, các nhà làm luật chỉ có những cuộc đàm phán mơ hồ về liên minh ngân hàng và các giải pháp giải quyết đống hỗn độn hiện tại, thì ở Mỹ, đó là những vấn đề mang tính dài hạn.

Chính phủ Mỹ đang có chính sách thuế của một nước nhỏ nhưng chi tiêu như một nước lớn. Theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nếu Mỹ có thể giảm nợ xuống mức được cho là hợp lý vào năm 2030, nước này cần giảm thâm hụt ngân sách với lượng tương đương 11,7% GDP. Con số này cao hơn so với bất kỳ quốc gia phát triển nào (trừ Nhật Bản).

Trong khi đảng Cộng hòa từ chối thảo luận về việc tăng thuế, ông Obama và đảng Dân chủ từ chối thảo luận về việc cắt giảm các khoản chi tiêu. Tổng thống không thuyết phục được đối thủ từ bỏ chương trình cắt giảm ngân sách vốn đang tiếp tục ảnh hưởng đến các công việc thiết yếu như quốc phòng và nghiên cứu, trong khi đảng Cộng hòa vẫn trả tiền cho Obamacare - chương trình cải cách y tế mà họ hi vọng sẽ "giết chết" từ trong trứng nước.

Nước Mỹ đã chịu nhiều tổn thất, nhưng không có vấn đề nào được giải quyết triệt để. Guy LeBas - một chuyên gia của Công ty Janney Capital Markets phân tích: "Tổn thất kinh tế thực sự, vốn cực kỳ khó để đo lường, sẽ xuất phát từ tình trạng bất ổn tăng cao… Tình trạng bất ổn cao hơn sẽ tạo ra sự do dự đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án mới và sẽ khuyến khích người tiêu dùng… tiết kiệm thay vì chi tiêu".

Minh Anh