Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: cuộc chiến vaccine Covid-19 hiện nay là "một cuộc chiến tranh thế giới kiểu mới" và EU cần phải phong toả toàn bộ việc xuất khẩu. (Nguồn: thestandard.com) |
Dù đã được chuẩn bị từ rất lâu, xong Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) buộc phải diễn ra bằng hình thức trực tuyến do đại dịch Covid-19 tiếp tục phủ bóng đen lên "lục địa già".
Làn sóng lây nhiễm thứ ba khiến một số quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức phải áp đặt những biện pháp phong toả mới trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng 4.
Các quốc gia EU dường như đang cảm thấy khó khăn trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 khi mà nguồn cung vaccine không đủ, rồi sự phân chia cũng không đồng đều giữa các thành viên.
Mặc dù chủ đề của hội nghị đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo trong thư gửi các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trước đó là thảo luận về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tháo gỡ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ với Nga, vai trò của đồng tiền chung euro hay vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số trong liên minh và đặc biệt, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị, nhưng cuối cùng, vấn đề nóng nhất, tranh cãi nhiều nhất, vẫn xoay quanh câu chuyện vaccine.
Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Trong năm 2020, liên minh đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều cho tổng dân số của EU là 450 triệu người.
Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược phẩm AstraZeneca.
Điều này đã khiến cho các quốc gia hiện đang dựa vào việc tiêm chủng để hy vọng thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế, rơi vào một tình thế tế nhị. Vì thiếu nguồn cung cấp vaccine nên EU đã buộc phải trì hoãn chương trình tiêm chủng. Theo tính toán của công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, việc trì hoãn này có thể khiến nền kinh tế toàn khối thiệt hại 123 tỷ euro trong năm 2021.
Cũng từ tháng 12 năm ngoái, EU đã xuất khẩu 77 triệu liều vaccine được sản xuất tại các quốc gia thành viên sang 33 nước trên thế giới, trong đó 21 triệu liều vaccine của AstraZeneca, sản xuất tại nhà máy của hãng ở Hà Lan, sang Anh.
Cho đến nay, ở các nước EU, tỷ lệ tiêm chủng mới chỉ đạt 10,4 liều/100 người, trong khi ở Anh tỷ lệ này là 42,7. Thế nhưng 27 quốc gia từng "chung một mái nhà" với Anh lại không nhận được bất cứ sự “hồi đáp” nào từ London, dù các cơ sở sản xuất của AstraZeneca đặt tại Anh cũng đã bắt đầu hoạt động.
Đó cũng là căn nguyên căng thẳng giữa Brussels và London kể từ sau Brexit. Thêm vào đó là tình trạng phân bổ không đồng đều giữa các quốc gia thành viên. Điều này tựa như “thêm dầu vào lửa” khiến một số nước EU "nổi giận".
Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã cảnh báo việc phân phối không công bằng vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước thành viên sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho EU. Nhà lãnh đạo Áo còn cho rằng sự thiên vị của một số quốc gia đối với vaccine AstraZeneca vì giá thành rẻ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các loại vaccine khác.
Thái độ của Thủ tướng Kurz bị các nước EU coi là “hung hăng” nhưng lại có tác dụng khi buộc EU phải mau chóng bàn đến việc phân chia lại 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Việc phân chia này vốn được lên kế hoạch vào tháng 11 tới, nhưng sẽ được triển khai ngay vào tháng 4 để có thể cân bằng lại tốc độ của chiến dịch tiêm chủng tại các nước EU.
Theo một tài liệu của Uỷ ban châu Âu (EC) được Financial Times đăng tải, Áo được nhận số lượng vaccine cao hơn mức trung bình của EU tính trên 100 dân. Bulgaria, Latvia, Croatia và Czech mới là những quốc gia được phân phối ít. Còn Bỉ, Italy, Bồ Đào Nha thì nhận số lượng dưới mức trung bình.
Trước thái độ của Thủ tướng Áo, Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị phân phối lại 3 trong số 10 triệu liều Pfizer/BioNTech, nhưng không ưu tiên cho Vienna. Còn Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thì tỏ thái độ thờ ơ trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo 27 nước EU về cơ chế cấp phép xuất khẩu vaccine cho các nước ngoài khối mà EC đề xuất thắt chặt hơn, với Vương quốc Anh và AstraZeneca. Thủ tướng De Croo nhấn mạnh: “Chúng tôi là một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo rằng chuỗi giá trị toàn cầu được bảo toàn càng nhiều càng tốt”.
Bỉ, Hà Lan và Thuỵ Điển là các quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển. Các quốc gia này cảnh báo rằng bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng đều có thể gây phản tác dụng đối với EU.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại cho rằng cuộc chiến vaccine hiện nay là "một cuộc chiến tranh thế giới kiểu mới" và EU cần phải phong toả toàn bộ việc xuất khẩu vaccine chừng nào các công ty dược phẩm còn chưa tôn trọng các cam kết đã đưa ra với EU.
Có thể thấy rằng vấn đề xuất khẩu vaccine vẫn đang gây ra những ý kiến trái chiều trong nội bộ EU. Theo các số liệu do Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, cung cấp, kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, khoảng 62 triệu liều vaccine đã được sử dụng cho các bệnh nhân ở EU. Điều này diễn ra trong bối cảnh EU thắt chặt cơ chế cho phép xuất khẩu vaccine và cũng để biện hộ trước cáo buộc "chủ nghĩa bảo hộ vaccine".
Trước sức ép của EU, AstraZeneca cam kết cung cấp 18 triệu liều trong số 30 triệu liều đã cam kết với EU trong thời gian còn lại của tháng 3 và sẽ có 5 ngày để thực hiện cam kết này. Ngoài ra, EU dự kiến sẽ nhận được khoảng 88 triệu liều vào cuối tuần này từ các nhà cung cấp khác nhau và khoảng 360 triệu liều trong quý hai năm nay.
Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết 13 triệu liều vaccine được dành cho sáng kiến phân phối vaccine COVAX, phần còn lại dành cho EU. Bà cũng nhấn mạnh AstraZeneca sẽ phải đáp ứng các cam kết giao hàng trước khi có thể xuất khẩu ra ngoài EU. Ngoài ra, EU và London có thể sẽ đạt được một thoả thuận cung ứng và đây được coi là một tín hiệu tốt cho vấn đề vaccine.