Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia Vũ Mão phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: T.V) |
Tại sự kiện, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Vũ Mão cho biết, với mục đích hỗ trợ Campuchia trong việc đào tạo nhân lực, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” do Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia phát động được lãnh đạo hai nước đánh giá cao và ủng hộ.
Thông qua chương trinh, các gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia nhằm tạo cơ hội để các sinh viên Campuchia tại Việt Nam học tập, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người và văn hóa Việt Nam. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga đánh giá cao những hoạt động của chương trình “Uơm mầm hữu nghị” do Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tổ chức những năm gần đây. Bà khẳng định hai nước có mối quan hệ hết sức đặc biệt và tình hữu nghị truyền thống luôn được xây đắp bằng rất nhiều nỗ lực, hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh gian khó giành độc lập và đến hôm nay.
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga phát biểu. (Ảnh: T.V) |
Chủ tịch VUFO cho rằng tình hữu nghị này rất cần được vun đắp cho nhiều thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Gửi lời chúc các em lưu học sinh Campuchia có những năm tháng học tập tốt đẹp và bổ ích tại các trường học tại Việt Nam và luôn giữ được tình cảm với các gia đình đỡ đầu ở Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh VUFO sẽ tiếp tục hỗ trợ Hội tổ chức tốt cho hoạt động ý nghĩa này để các thế hệ trẻ ý thức được sâu sắc tình hữu nghị giữa hai nước.
Tại buổi gặp mặt, Đại biện lâm thời Campuchia tại Việt Nam Op Sophy đã cám ơn những tình cảm tốt đẹp mà Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cũng như các gia đình Việt Nam đã dành cho các em sinh viên Campuchia. Ông Op Sophy cũng nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước được gắn kết từ tình hữu nghị láng giếng, hợp tác trên mọi phương diện cả về chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục và văn hóa.
Đại biện lâm thời Campuchia tại Việt Nam Op Sophy phát biểu. (Ảnh: T.V) |
Thay mặt các lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, em Mao Leapheng - nam sinh viên năm thứ hai Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, là những sinh viên học xa nhà, nhiều bỡ ngỡ với môi trường học tập và sinh hoạt tại Việt Nam, nhưng các em đã được các cha mẹ nhận đỡ đầu, có nhiều cơ hội được học và thực hành tiếng Việt, được tìm hiểu về phong tục, tập quán Việt Nam và cảm nhận tình cảm gia đình ấm áp, thân thương.
“Chúng con rất xúc động được biết, nhiều cha mẹ đỡ đầu chúng con là cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia thời kỳ 1979-1989 đã sang giúp nhân dân Campuchia trong đó có gia đình chúng con thoát khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước, nay trở thành bố mẹ đỡ đầu giúp chúng con trong học tập và rèn luyện tại đất nước Việt Nam yêu quý. Chúng con tin rằng thế hệ của chúng con hôm nay và các thế hệ mai sau của Campuchia sẽ mãi mãi không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp này của nhân dân Việt Nam”, em Mao Leapheng chia sẻ.
Lưu học sinh Campuchia và các gia đình đỡ đầu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: T.V) |
Cảm ơn sự quan tâm và hỗ trợ của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam và các gia đình đỡ đầu, các lưu học sinh hứa sẽ cố gắng chăm chỉ học tập, rèn luyện bản thân để trở thành những người có ích trong xã hội, cũng như sẽ mang những kiến thức đã học tại Việt Nam cũng như những tình cảm ấm áp mà những người Việt Nam dành cho các em để xây dựng đất nước. Đặc biệt, các lưu học sinh luôn tự ý thức rằng, mỗi người đều có trách nhiệm vun trồng để "mầm Hữu nghị" giữa hai nước ngày càng đơm hoa, kết trái.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình “Ươm mầm hữu nghị” vào năm 2012 cho đến nay, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã nhận được sự giúp đỡ cũng như phối hợp rất tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức hữu quan, trong đó có Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam. Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” mang lại nguồn động viên kịp thời và thiết thực về tinh thần cũng như vật chất cho các em lưu học sinh Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Các gia đình đỡ đầu đều coi các em như con cháu trong nhà, luôn gần gũi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, tạo sự gắn kết giữa các em với gia đình. |