Cuộc gặp được tiến hành tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Hai bên đã thảo luận các chủ đề chính, đánh giá tình hình và đề ra phương hướng trước khi diễn ra vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước đã kết thúc sau 5 giờ thảo luận. Tuy nhiên, 90 phút sau đó, hai người lại tiếp tục gặp nhau một lần nữa khiến nhiều người ngạc nhiên. Cả hai Ngoại trưởng dường như đang rất nỗ lực để phá vỡ bế tắc từng khiến cho hai bên không đạt được thỏa thuận đầy đủ về chương trình hạt nhân của Iran đúng vào thời hạn chót đặt ra hai lần trước đó.
Phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định đây là cuộc gặp “quan trọng”. “Tôi nghĩ rằng nó sẽ chứng tỏ hai bên đã sẵn sàng thúc đẩy tiến trình đàm phán”, ông nói. Nhưng khi được hỏi liệu có đạt được một thỏa thuận toàn diện vào thời hạn chót mới được đặt ra là vào ngày 1/7 tới hay không, ông tỏ ra thận trọng nói: “Chúng ta sẽ chờ xem”.
Trước đó, phát biểu trên truyền hình Iran, ông Zarif nói rằng hai bên “đang đến một giai đoạn mà mỗi bên phải có quyết định để có thể tiến lên phía trước. Những đề xuất mới phải được đưa ra. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận tất cả các vấn đề, nhưng phải xem liệu bên kia đã sẵn sàng chưa”.
Còn Ngoại trưởng Kerry thì bày tỏ hy vọng sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, tìm cách tháo gỡ những bế tắc nhằm đạt được sự tiến bộ. Ông Kerry dự định rời cuộc họp ở Geneva để đến Sofia, Bulgaria, nhưng sau đã phải hoãn lại để tiếp tục đàm phán với người đồng cấp Zarif vào tối muộn ngày 14/1.
Sau cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Mỹ và Iran, hoạt động tham vấn song phương sẽ được khởi động với phái đoàn đàm phán Iran và tiếp đến ngày 18/1 tại Geneva sẽ bắt đầu vòng đàm phán cấp cao giữa Nhóm P5+1.
Theo các nhà phân tích, mục tiêu đặt ra hiện nay của hai bên là đạt được một thỏa thuận chính trị cấp cao trước ngày 1/3 và các chi tiết kỹ thuật đầy đủ của thỏa thuận cuối cùng vào trước ngày 1/7. Các vấn đề lớn còn tồn tại là quy mô của chương trình hạt nhân trong tương lai của Iran và tiến độ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Các cuộc đàm phán trước đây đi vào bế tắc vì Iran vẫn giữ lập trường là mình có quyền làm giàu uranium để phục vụ mục tiêu dân sự trong khi Mỹ khẳng định trước hết Iran phải tạm thời và ngừng dần chương trình hạt nhân của mình.
Các nhà ngoại giao hiện đang lo ngại thời gian sắp hết, vì hai thời hạn chót lần trước bị bỏ lỡ. Trong khi đó, Quốc hội mới của Mỹ do đảng Cộng hòa chi phối lại đang xem xét một dự luật theo đó áp dụng thêm lệnh trừng phạt mới đối với Iran bất chấp nỗ lực của chính quyền Obama ngăn chặn dự luật này. Đặc phái viên của Mỹ tại Liên hợp quốc từng cảnh báo “áp đặt thêm lệnh trừng phát sẽ chấm dứt tiến trình đàm phán”.
Theo thỏa thuận tạm thời giữa các cường quốc và Tehran có hiệu lực từ tháng 1/2014, Iran đồng ý giới hạn việc làm giàu uranium. Đổi lại, Iran nhận được một phần giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và giữ lại được khoảng 7 tỉ USD từ khoảng hơn 100 tỉ USD doanh thu từ dầu khí hiện đang bị đóng băng trong các tài khoản ngân hàng ở khắp nơi trên thế giới.
Nguyễn Kim (theo AFP)