La Rinconada, thị trấn có người sinh sống ở nơi cao nhất thế giới. (Nguồn: Insider) |
La Rinconada ở Peru là nơi sinh sống của con người ở vị trí cao nhất thế giới, với độ cao cách mặt nước biển chừng 5100 m, cũng đồng thời có một số điều kiện sống “tàn bạo nhất”. Phần lớn thời gian trong năm, nhiệt độ tại đây thường dưới 0 độ C.
Với người bình thường, thích nghi môi trường ở La Rinconada rất khó khăn. Con người bắt đầu khó chịu ở độ cao khoảng 3.000 m khi không khí loãng, trong khi thị trấn này nằm ở vị trí trên 5.100 m. Nhưng cư dân bản địa buộc phải thích nghi với sự khắc nghiệt.
Những mái nhà lụp xụp được dựng lên. (Nguồn: Insider) |
Cách đi duy nhất để tới thị trấn này là đi qua một con đường bên sườn núi bị bao phủ trong cỏ, đất đá, bụi bẩn và băng giá trong vài ngày. Tuy nhiên, hầu như khách du lịch chẳng mấy ai đến La Rinconada bởi nơi này không có khách sạn hay bệnh viện cũng như cơ quan chính phủ, thậm chí thiếu nước sinh hoạt và cả hệ thống nước thải.
Nơi này không có mấy khách du lịch đặt chân tới vì điều kiện sống khắc nghiệt và ô nhiễm thủy ngân nặng. (Nguồn: Insider) |
Tuy điều kiện sống nghèo nàn, nhưng cư dân ở La Rinconada lại đông đúc. Kinh tế địa phương gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các mỏ vàng không được kiểm soát ở những vùng núi xung quanh.
Từ năm 2001 - 2009, giá vàng đã tăng 235 % kéo theo dân số tại thị trấn này cũng tăng nhảy vọt. Vào năm 2012, có khoảng 50.000 người sinh sống tại thị trấn có điều kiện sống khắc nghiệt này.
Những thợ mỏ khai thác vàng. (Nguồn: Insider) |
Đa số cư dân tại đây là người Peru. Thợ mỏ khai thác vàng tại đây không nhận được lương bằng tiền như bình thường. Sau 30 ngày làm việc liên tục ở hầm mỏ, ngày cuối cùng trong tháng, họ có thể mang tất cả số đá khoáng mà mình đã khai thác được. Nếu may mắn, bên trong đá khoáng chứa ít vàng. Còn nếu không, coi như một tháng họ đã làm việc "công cốc".
Vàng được khai thác tại núi Andes suốt nhiều thế kỷ. Thợ mỏ ở La Rinconada phải đi bộ 30 phút mỗi ngày để tới các hầm mỏ chứa đầy khí độc, thủy ngân, xyanua và thiếu oxy. Tại thị trấn này, phần lớn nam giới làm việc tại mỏ, còn phụ nữ làm nghề bán vàng hoặc bán phế liệu.
Bàn tay của người thợ đào vàng. (Nguồn: Insider) |
Do phải dùng lượng lớn thủy ngân để luyện vàng nên nước, tuyết, không khí và đất ở đây hầu như ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh điều kiện sống thấp kém, La Rinconada thực sự không phải là nơi phù hợp cho trẻ nhỏ. Nhưng nhiều người vẫn bất chấp lao tới đây với giấc mộng "phát tài".
Không giống như nhiều thị trấn khai thác mỏ trên thế giới, mỏ ở La Rinconada không thuộc sở hữu của bất cứ công ty nào. Các mỏ khoáng ở đây đa số là phi pháp, vàng kiếm được, người dân thường mang ra "chợ đen" để bán.
Rác thải không được xử lý. (Nguồn: Insider) |
Có dịp tới thăm La Rinconada vào năm 2015, nhiếp ảnh gia Dawson cho biết, hồ nước chảy qua thị trấn cũng bị ô nhiễm nặng bởi thủy ngân và chất độc xyanua.
Thiếu vệ sinh và các hoạt động khai thác không được kiểm soát nghiêm ngặt khiến tài nguyên đất tại La Rinconada ô nhiễm nặng nề, dẫn tới tình trạng nhiều cư dân bị ngộ độc thủy ngân, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây ngứa, bỏng và đổi màu da.