📞

Cương quyết loại bỏ những dự án đầu tư công chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả

Anh Sơn 13:16 | 24/07/2021
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Sáng 24/7, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề xuất loại bỏ những dự án đầu tư công chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 24/7, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thảo luận ở tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả

Trình bày Tờ trình về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Dự kiến kế hoạch trong giai đoạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế ”xin cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập.

Về các giải pháp thực hiện kế hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ huy động sẽ rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, kém hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.

Về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn Ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đề nghị trình Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư. Về việc phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm khác: Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533,847 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng, Ủy ban Tàichính Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tránh việc chia nhỏ dự án không đúng quy định…

Giải ngân đúng chỗ, có trọng điểm để tạo sức mạnh lan tỏa

Thảo luận tại tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tác động lớn đến sự phát triển chung của nền kinh tế, nhưng công tác tài chính, ngân sách vẫn có nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tích cực ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu cũng lưu ý cần xem lại về khái niệm vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài. Có hoặc dùng chung là vốn vay nước ngoài để đảm bảo chính xác phạm vi báo cáo, từ đó phân tích, đánh giá kỹ hơn hiệu quả sử dụng vốn khác phục vụ dự án đầu tư phát triển như: Phát hành trái phiếu xanh, hay thậm chí là huy động vốn tư nhân trong bối cảnh các nguồn vốn vay ưu đãi giảm dần do nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Quốc hội sáng 24/7.

Về nội dung này, đại biểu Phan Đình Trạc (Nghệ An) đề nghị cần có giải pháp cụ thể, căn cơ, trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thuế, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan; tăng cường đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước đảm bảo vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương, chủ động ngân sách địa phương, tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách, cơ cấu lại nợ công hiệu quả; tăng tỷ trọng đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia…

Theo đại biểu Lại Xuân Môn (Cao Bằng), việc sử dụng, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là việc phân bổ nguồn vốn còn dài trải, chưa hợp lý. Việc giải ngân vốn phải khoa học, đầu tư đúng chỗ, có trọng điểm mới tạo được sức mạnh lan tỏa; căn cứ vào từng khu vực để đầu tư, đặc biệt cần chú trọng ưu tiên các công trình, dự án hạ tầng, giao thông vì có thể tạo nguồn thu cho địa phương một cách bền vững.

Tăng cường tháo gỡ vướng mắc gây nghẽn mạch công tác giải ngân

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nếu sử dụng tốt vốn đầu tư công sẽ tăng trưởng kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu nhập cho quốc gia. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phải gắn với an sinh xã hội. Qua theo dõi, năm 2016 giải ngân được hơn 88,27% nhưng đến năm 2018 chỉ giải ngân được có 71,69%. Tuy nhiên, khi Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, tránh kéo dài thời gian của án, gây lãng phí, đi liền với đó là gắn trách nhiệm cho người đứng đầu nên đến năm 2020 đã giải ngân được hơn 96%.

Nhìn những tồn tại để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, khâu giải phóng mặt bằng là vô cùng vất vả nên công tác tuyên truyền phải gắn liền với thông tin để người dân đồng thuận, nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là giá đất và đền bù khiến người dân không đồng thuận gây ra bức xúc xã hội.

Đại biểu cho rằng, vấn đề thủ tục đấu thầu cũng cần được quan tâm, các đại biểu chuyên trách cần dành thời gian nhiều hơn cho việc rà soát các thể chế, làm việc với các sở, ngành xem vướng ở đâu để cùng giải quyết, điều chỉnh. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc giải ngân vốn đầu tư công được hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, Chính phủ vẫn cần lưu ý các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc gây nghẽn mạch công tác giải ngân, đó là trong công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, do xung đột về lợi ích, đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế.

Bên cạnh đó, sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành cũng là nguyên nhân kìm hãm đối với hoạt động đầu tư công, đầu tư xây dựng, khiến đầu tư công không bảo đảm tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra…

Giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu đánh giá, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có nhiều điểm mới, đó là gói gọn dự án (dưới 5.000 dự án), không dàn trải, lấy nguồn vốn đầu tư công làm “vốn mồi” cho các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Khắc Định (Thái Bình) nêu rõ, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét tập trung cho các công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, để tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết địa phương để tạo sự đột phá, thu hút đầu tư xã hội…