📞

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Kinh tế số ở Việt Nam mở ra cơ hội mới

15:12 | 06/12/2019
TGVN. Ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Google và là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng sự phát triển ngoạn mục của nền kinh tế số ở Việt Nam mở ra cơ hội cho rất nhiều người.
Bộ Công Thương và Google công bố hợp tác chiến lược để mở rộng chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”.

Báo cáo mà Google phối hợp với một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore Temasek Holdings và tập đoàn tư vấn tài chính Bain & Company công bố hồi tháng 10/2019 cho thấy, quy mô ngành kinh doanh dựa trên nền tảng internet của khu vực Đông Nam Á đang trên đà vượt qua con số 100 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng lên gấp 3 vào năm 2025.

Báo cáo dự đoán, Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất về thương mại trực tuyến trên thế giới, nhờ vào lực lượng dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều.

Ông Ted Osius cũng có chung nhận xét như vậy. Ông nói rằng, thay đổi lớn nhất mà ông được chứng kiến ở châu Á trong 30 năm vừa qua là việc Internet đã mở ra cơ hội cho mọi người, nhất là những người trẻ tiếp nhận thông tin, kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài, hay cũng có thể chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu giải trí: "Tất cả những điều ấy, trước đây, có mơ người ta cũng sẽ không bao giờ hình dung được. Giờ ai cũng có thể học được các kỹ năng mới, như tạo code hay học thêm một ngoại ngữ mới, tất cả đều đơn giản chỉ bằng cách lên mạng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp nhỏ châu Á cũng có thêm những phương cách mới để tiếp cận khách hàng và gia tăng doanh số. Ai cũng có thể lên mạng tìm việc làm. Đây mới là điều thực sự ý nghĩa, bởi chúng ta đều hiểu, sự trao quyền sẽ có ý nghĩa như thế nào".

Trách nhiệm của các công ty công nghệ

Những thay đổi như vậy hoàn toàn không phải là điều hiển nhiên. Xét cho cùng, dẫu cho kỹ thuật có tiến bộ đến đâu, thì khởi điểm vẫn là con người - những người biết nắm bắt và mở ra sự thay đổi nhờ kỹ thuật mới. Ông Osius nói: "Chúng ta cần tiếp tục mở rộng những lợi ích và cơ hội này đến nhiều người hơn ở Việt Nam và trong khu vực".

Ông Ted Osius dẫn số liệu cho biết, chương trình Tăng tốc kỹ thuật số Việt Nam 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0) của Google, được công ty này bắt đầu triển khai từ năm 2018. Đến nay, Google đã đào tạo miễn phí cho 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 85.000 người kinh doanh nhỏ tại 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Tháng 8/2019, Google cũng ra mắt Xe buýt kỹ thuật số giúp người dân, nhất là những người sống ở nông thôn, tiếp cận dễ dàng hơn với các đào tạo về kỹ thuật số. Xe buýt kỹ thuật số đã hoàn thành tuyến đường đầu tiên với 1.000 km, với hơn 3.300 người tại 10 tỉnh Đông Bắc Việt Nam được huấn luyện. Đến tháng 12/2020, xe này sẽ tiếp tục đi đến 49 tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam.

Google cũng hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam ra mắt ứng dụng Google Primer, giúp người dân khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận hơn với việc đào tạo số.

Tiềm năng kinh tế số

Nói về triển vọng của phát triển kinh tế số, ông Ted Osius nói điều đó là vô hạn: "Bốn năm qua, chúng tôi cùng Temasek Holdings và Bain & Company thực hiện báo cáo thường niên về nền kinh tế Internet Đông Nam Á. Hàng năm, sự tăng trưởng của nền kinh tế này đã vượt quá sự kỳ vọng của chúng tôi.

Cùng thời gian này năm trước, chúng tôi cho quy mô của nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á sẽ đạt 250 tỷ USD vào năm 2025. Hiện nay, con số đó khoảng 300 tỷ USD.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như gọi xe (ride-hailing) và thương mại điện tử. Chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy sự phát triển trong thanh toán số. Sự gia tăng như vậy có thể sẽ mang lại tác động khá sâu sắc, nếu chúng ta biết rằng, hiện nhiều người dân ở khu vực Đông Nam Á thậm chí còn chưa có tài khoản ngân hàng".

Với Việt Nam, ông Ted Osius nói rằng, nước này có nền kinh tế số phát triển nhanh thứ ba và có quy mô lớn vào hàng thứ hai trong khu vực.

Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế dựa trên Internet có tác động lớn nhất đến GDP. Điều này cho thấy sự phát triển manh mẽ của kỹ thuật số ở Việt Nam, khi mà năm 2019, Việt Nam có 61 triệu người dùng Internet, và trung bình người Việt Nam dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động mỗi ngày.

Theo báo cáo nói trên, tại Đông Nam Á, Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực.

Nền kinh tế số tại Việt Nam, với các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ đã đạt 12 tỷ USD năm 2019 và sẽ lên đến con số 43 tỷ USD vào năm 2025.

(Theo TTXVN)