Gói hỗ trợ bao gồm 8 biện pháp cứu trợ và 8 biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.(Nguồn: Economic Times) |
Chia sẻ chi tiết về gói kích thích, bà Sitharaman cho biết, gói này bao gồm 8 biện pháp cứu trợ và 8 biện pháp khác để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, chính phủ Ấn Độ sẽ chi 500 tỷ Rupee (6,7 tỷ USD) để tăng cường cơ sở hạ tầng y tế ở những thành phố cấp 2, cấp 3 và 232 tỷ Rupee cho hệ thống y tế công liên quan đến điều trị Covid-19 cũng như chăm sóc trẻ em.
Chính phủ cũng nâng trần giới hạn của Chương trình bảo lãnh tín dụng khẩn cấp (ECLGS) thêm 50% từ 3.000 tỷ Rupee (40,4 tỷ USD) trước đó lên 4.500 tỷ Rupee (60,6 tỷ USD) để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng triển khai Chương trình bảo lãnh tín dụng để cung cấp các khoản vay cho những người vay quy mô nhỏ thông qua các tổ chức tài chính vi mô. Theo chương trình này, cá nhân được vay tối đa 125.000 Rupee (gần 1.700 USD) với lãi suất 2% và thời hạn vay 3 năm.
Nước này cũng sẽ khởi động chương trình phục hồi du lịch với các khoản vay được đảm bảo 100%. Theo đó, chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho hơn 11.000 hướng dẫn viên du lịch đã đăng ký, các tổ chức trong ngành du lịch và lữ hành.
Các tổ chức này sẽ nhận được khoản vay tối đa 1 triệu Rupee (13.500 USD) trong khi các hướng dẫn viên du lịch được cấp phép có thể vay tối đa 100.000 Rupee (1.350 USD).
Ấn Độ cũng sẽ cấp thị thực du dịch miễn phí cho 500.000 du khách. Thời hạn của chương trình là ngày 31/3/2022 hoặc cho đến khi đủ 500.000 du khách được cấp thị thực miễn phí. Mỗi du khách chỉ được hưởng ưu đãi miễn phí một lần.
Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, gói các biện pháp vừa được Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman công bố sẽ giúp kích thích hoạt động kinh tế, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cũng như tạo công ăn việc làm.
Ông Modi cũng nhấn mạnh đến những biện pháp được thực hiện dành cho lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe trẻ em, nông dân, doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do.