📞

Czech có bước đi mới về khí đốt, Hungary nói nỗ lực của phương Tây làm suy yếu Nga không thành công

Việt An 07:42 | 09/09/2022
Ngày 8/9, Czech thông báo, dự kiến, nước này sẽ nhận khí đốt từ Mỹ thông qua cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Hà Lan ngay trong tháng 9.
Czech sẽ nhận khí đốt từ Mỹ qua cơ sở ở Hà Lan. Trong ảnh, một trạm nén khí đốt ở Werne, Đức. (Nguồn: AFP)

Cùng ngày, Hà Lan đã khánh thành cơ sở LNG tại cảng Eemshaven.

Giám đốc điều hành công ty năng lượng CEZ, đơn vị đảm bảo việc vận chuyển khí đốt từ cơ sở LNG Eemshaven của Hà Lan về Czech, ông Daniel Benes cho biết, con tàu đầu tiên chở LNG cho CH Czech sẽ xuất phát từ Mỹ và tới Hà Lan ngày 19/9.

Theo ông Benes, từ nay đến cuối năm 2022, sẽ có tổng cộng 8 con tàu như vậy cập cảng Eemshaven, mỗi tàu mang theo 100 triệu m3 khí đốt.

Lãnh đạo công ty năng lượng của Czech cho biết thêm, do nước này đã thuê 1/3 công suất cơ sở LNG của Hà Lan, tương đương 3 tỷ m³ khí đốt nên dự kiến sẽ có tất cả 30 tàu chở LNG cho Czech.

Phát biểu tại lễ khánh thành cơ sở LNG Eemshaven của Hà Lan, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết, chính phủ Czech đang thực hiện các bước đi nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, trong đó có nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ hiện ở mức 84%.

Ông Fiala thông báo, Czech cũng đang đàm phán thuê các cơ sở LNG khác ở Đức và Ba Lan. Thủ tướng Czech nhấn mạnh cần có một giải pháp toàn châu Âu trong lĩnh vực năng lượng.

Cơ sở LNG nổi Eemshaven nằm ở cửa sông Emze đổ ra Biển Bắc thuộc tỉnh Groningen của Hà Lan. Tổng công suất của cơ sở này là hơn 8 tỷ m³ khí đốt mỗi năm. Ngoài công ty CEZ của Czech, cơ sở LNG Eemshaven còn được hãng Shell của Hà Lan và Engie của Pháp sử dụng.

Truyền thông Czech đưa tin, chi phí thuê mà nước này phải trả lên tới hàng chục triệu Euro mỗi năm song không có thông tin về con số cụ thể. CEZ chịu trách nhiệm đàm phán với các đối tác để đưa khí đốt từ Hà Lan qua Đức về Czech.

Cũng trong ngày 8/9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định, quốc gia này "sẽ có đủ khí đốt" vào mùa Đông, do đó, các nhà máy của nước này không cần phải dừng sản xuất.

Hãng thông tấn Điện tín Hungary dẫn lời ông Orban nói: "Có đủ khí đốt cho tất cả. Vì vậy, những ai muốn đều có thể đến đầu tư tại đây".

Nhà lãnh đạo này cũng đánh giá, bất chấp việc Moscow bị áp đặt tới 11.000 lệnh trừng phạt, những nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga đã không thành công và xung đột vẫn tiếp diễn.

Một cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu Szazadveg ở Budapest thực hiện và công bố ngày 7/9 cho thấy, hơn 70% người Hungary cho rằng các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt đối với Nga đang gây ra nhiều tổn hại hơn cho chính châu Âu, đặc biệt là đối với Hungary.

Theo Szazadveg, 72% số người được hỏi coi các biện pháp trừng phạt Nga có hại hơn đối với châu Âu, trong đó có Hungary. Trong khi đó, chỉ có khoảng 21% số người tham gia khảo sát đánh giá các biện pháp trừng phạt Nga là "khá hữu ích”.

(theo Reuters, TTXVN)