Trước khi đại hội khởi tranh, đá cầu “chỉ” đặt ra chỉ tiêu giành 3-4 HCV trên tổng số 7 bộ huy chương. Theo giải thích của ban huấn luyện thì mục tiêu đó phù hợp với thực tế và xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, khi bước vào giải đấu, các VĐV chủ nhà thắng như chẻ tre. Ở cả 7 trận chung kết, Việt Nam đều dễ dàng đánh bại các đối thủ với tỉ số cách biệt 2-0.
Đá cầu là hình ảnh thu nhỏ của đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội này. Dù là một kỳ đại hội thể thao bãi biển song với tư cách chủ nhà, Việt Nam đã đưa rất nhiều môn có thế mạnh như các môn võ: muay, kurash, pencak silat, vovinam hay võ cổ truyền… cũng như cầu mây vào nội dung thi đấu. Bên cạnh đó, việc đưa các VĐV chuyên nghiệp trong nhà sang thi đấu bãi biển cũng giúp Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh. Tiêu biểu trong số đó là Nguyễn Trần Duy Nhất (Muay), Văn Ngọc Tú (Judo chuyển sang Kurash), Nguyễn Văn Hùng, Lê Tú Chinh, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh)…
Việt Nam dễ dàng ẵm trọn 7 bộ huy chương môn đá cầu. (Ảnh: P.N) |
Ở ngày thi đấu thứ 6 của đại hội, chỉ có 13 HCV được trao và Việt Nam chiếm gần 1/3 trong số đó.
Hai HCV từ đá cầu đến rất dễ dàng khi các VĐV chủ nhà vượt qua Thái Lan ở nội dung đồng đội nữ và Trung Quốc ở đồng đội nam với tỉ số điểm cách biệt để giành trọn số huy chương vàng của đại hội. Vovinam giành HCV đầu tiên ở nội dung biểu diễn tấn công chân kỹ thuật đồng đội nam. Nguyễn Thị Xuân (hạng cân dưới 50kg nữ môn vật) là VĐV còn lại đem vàng về cho Việt Nam trong ngày thi đấu này.
Ở môn thi đáng chú ý là bóng đá nam, Nhật Bản nhọc nhằn vượt qua Lebanon với tỉ số sít sao 6-5. Đối thủ của họ là Oman khi đại diện Tây Á dễ dàng đánh bại Afganistan với tỉ số 8-2.
Quốc ca Việt Nam liên tục vang lên ở ABG5. (Ảnh:P.N) |
Kết thúc ngày thi đấu chính thức của ABG5, đoàn thể thao Việt Nam vẫn không có đối thủ khi nới rộng số HCV với đoàn xếp sau Thái Lan tới 8 huy chương. Cụ thể, Việt Nam có 35HCV, 30 HCB và 36HCĐ trong khi con số đó của Thái Lan lần lượt là 27HCV, 20HCB và 27HCĐ.