Nhỏ Bình thường Lớn

Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Chiều 26/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn kinh doanh 2024 với chủ đề “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị.

Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Vân Chi)

Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn”.

Đồng thời Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: “Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa 'giỏ' hàng hóa xuất khẩu.

Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn”.

Các chuyên gia tại Diễn đàn nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các xu thế mới tiếp tục khẳng định định hướng ưu tiên đối ngoại của Việt Nam là đúng đắn. Việt Nam là thành viên của nhiều sáng kiến, liên kết khu vực, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp đinh Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia quá trình đàm phán một số sáng kiến, hiệp định, như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (VN - EFTA FTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA). Đây là cơ hội thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Trong kết quả tích cực của nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ở một số mặt hàng trọng điểm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu khởi sắc không chỉ xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.

Tuy nhiên, thương mại Việt Nam cũng gặp một số thách thức. Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Vân Chi)

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…

"Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt tự tin, vững vàng hơn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa thì cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển doanh nghiệp hiện nay", ông Bình gợi ý.

Còn TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT, cho rằng "xanh hóa" trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. “Yêu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động. Khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, tại Việt Nam, theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.

“Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố quyết định thành công của đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa. Họ là những chủ thể dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm/dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Hùng nhận xét.

Các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại Diễn đàn đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị để đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp.

Trong đó, đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng năng lực sản xuất mới nhằm chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; tập trung kết nối trong nước tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi và có các giải pháp tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam…

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Cùng với đó, Nghị quyết 58/NQ – CP ngày 21/4/ 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp… nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa kinh tế xã hội phát triển.

Công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Thời điểm để tiến bước

Công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Thời điểm để tiến bước

Tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn, Việt Nam kỳ vọng trở thành đối tác tin cậy và là ...

Kinh tế Việt Nam phát triển tích cực

Kinh tế Việt Nam phát triển tích cực

Theo Bloomberg, báo cáo của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank) nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Cơ hội lớn trong ‘chiếc bánh khổng lồ’

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Cơ hội lớn trong ‘chiếc bánh khổng lồ’

Năm 2023, vượt khó khăn chung của thế giới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn là điểm sáng. Trong ...

Nhật Bản phát triển pin thế hệ mới, giảm chi phí, khắc phục hạn chế chuỗi cung ứng

Nhật Bản phát triển pin thế hệ mới, giảm chi phí, khắc phục hạn chế chuỗi cung ứng

Kẽm đang nổi lên như một “ứng cử viên” cho pin thế hệ tiếp theo khi các công ty lớn của Nhật Bản như Sharp ...

Năm mắt xích quan trọng trong một thế giới phân mảnh

Năm mắt xích quan trọng trong một thế giới phân mảnh

Đó là năm quốc gia - những chủ thể kết nối kinh tế quan trọng trong một thế giới phân mảnh.