Đà Nẵng là thành phố biển có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. “Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”, phát triển kinh tế biển là những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài những lợi thế về kinh tế do biển mang lại, thành phố Đà Nẵng cũng đối mặt với không ít những thách thức về chủ quyền biển đảo, đặc biệt là công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trước tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp khó lường, thành phố Đà Nẵng luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh và chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển, cụ thể:
Đẩy mạnh sâu, rộng công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cả chiều rộng lẫn chiều sâu
Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về tình hình Biển Đông, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác biển đảo cho lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức của thành phố.
Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với những hình thức phong phú như: hội nghị, hội thảo, triển lãm, phát tờ rơi… về chủ quyền biển đảo đến cán bộ công chức, ngư dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.
Nổi bật có: Lớp tập huấn nhận thức pháp luật tại các vùng biên giới Việt Nam trong khuôn khổ dự án LASRAI III cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt và ngư dân tại Đà Nẵng (2011); Hội nghị tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo và chủ trương phát triển kinh tế biển đảo của thành phố (2013); Triển lãm các tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” (2013); 3 đợt triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa – Chủ quyền của Việt Nam” tại trường Đại học Ngoại ngữ, trường Đại học Bách Khoa và trường Đại học Đông Á (2014); Hội nghị tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật về biển đảo cho cán bộ phụ trách công tác thủy sản và ngư dân tại quận Sơn Trà (2015); Hội nghị tuyên truyền và tập huấn kỹ năng về công tác biển đảo (2016); Hội nghị phổ biến thông tin chuyên đề về tình hình Biển Đông (các năm từ 2015 đến 2020)….
Thành phố cũng chú trọng công tác tuyên truyền hướng đến Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Đà Nẵng luôn chủ động trao đổi thường xuyên các thông tin về biển đảo, vận động bà con kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài chung tay góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia thông qua nhiều hình thức: gửi thư điện tử, trao đổi thông tin tại các buổi gặp mặt kiều bào của lãnh đạo thành phố…, thông qua các kênh này, bà con kiều bào ta tại nhiều nước đã hiểu hơn về chủ quyền biển đảo quê hương và một lòng hướng về Tổ quốc với những việc làm thiết thực như: ủng hộ kinh phí mua sắm trang thiết bị, thông tin liên lạc lắp đặt trên thuyền của ngư dân, hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 (năm 2014).
Thành phố cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua kênh quản lý các đoàn phóng viên nước ngoài đến hoạt động báo chí, góp phần cung cấp thông tin những vụ việc xảy ra trên biển, giúp dư luận hiểu rõ hơn bản chất các vụ việc.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương trong công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền
Với vị trí chiến lược, thành phố Đà Nẵng luôn phải đối mặt với những nhân tố gây mất ổn định trên vùng biển. Tuy nhiên, Thành phố luôn tỉnh táo và sáng suốt trong việc xử lý những vụ việc liên quan đến biển, đảo, thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan để có cách xử lý tốt nhất, không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các nước có quyền lợi trên Biển Đông, đồng thời chứng tỏ với bạn bè quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Thành phố đã nhiều lần lên tiếng chính thức phản đối việc Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa. Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa VII (tháng 12/2007) đã thảo luận và đưa vào Nghị quyết khẳng định Hoàng Sa là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Năm 2014, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của ta, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối hành động này. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa, gần đây nhất (tối ngày 19/4/2020), Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã phát thông cáo phản đối việc Trung Quốc thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa.
Nhà trưng bày Hoàng Sa là minh chứng sống cho chủ quyền không thể tranh cãi “Hoàng Sa là của Việt Nam”
Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức khai trương và đi vào hoạt động ngày 28/3/2018. Công trình được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam. Đây là nơi trưng bày hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật giá trị nhằm giới thiệu, tuyên truyền về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Qua đó cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cổ vũ tinh thần đấu tranh, ý chí bảo vệ chủ quyền trong mọi tầng lớp nhân dân.
Lễ cắt băng khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa vào tháng 3/2018. (Nguồn: VPUB) |
Tháng 12/2019, Nhà Trưng bày Hoàng Sa chính thức trở thành điểm tham quan du lịch của thành phố Đà Nẵng. Đây thực sự trở thành địa điểm tham quan, nghiên cứu lý tưởng, giúp người dân Việt Nam nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng hiểu hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời mang đến cái nhìn khách quan với du khách quốc tế về lịch sử Việt Nam.
Bảo đảm công tác an ninh trên biển, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển
An ninh trên biển luôn được các cơ quan, lực lượng vũ trang của địa phương phối hợp với Vùng 3 Hải quân, Cảnh sát biển 2… triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đã kiểm tra và xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biên giới quốc gia trên biển; bảo vệ, hỗ trợ ngư dân bám biển; công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ các hoạt động thăm dò, khảo sát của ta, bảo vệ tàu khách, tàu quân sự nước ngoài thăm hữu nghị Đà Nẵng.
Hàng năm, thành phố đón nhiều tàu quân sự nước ngoài đến thăm hữu nghị Việt Nam và giao lưu với thành phố. Đà Nẵng cũng chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cảng biển, du lịch,… nhằm tranh thủ các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều chính sách phát triển thủy sản, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; hỗ trợ ngư dân khai thác ở vùng biển xa, góp phần phát triển kinh tế biển đảo, vận động ngư dân vững vàng bám biển, giữ vững ngư trường, kết hợp đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo.
Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để thực hiện thắng lợi nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ vô cùng quan trọng: “Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành trung ương trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời kêu gọi toàn dân, cùng chung tay góp sức “Hướng về biên giới, biển đảo”, thông qua các hoạt động thiết thực, góp phần cùng quân dân cả nước quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo quê hương.
| Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về biện pháp trung gian trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột TGVN. Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị Hội đồng Bảo an cần hỗ trợ thúc đẩy biện pháp trung gian như công cụ nhằm ... |
| Phim tài liệu: Chung tay bảo vệ chủ quyền, hợp tác vì hòa bình hữu nghị TGVN. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ủy ban Biên giới Quốc gia (6/10/1975-6/10/2015), Báo TG&VN xin giới thiệu bộ phim tài ... |
| AMM 53: Các tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình TGVN. Ngày 12/9, phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin ... |