📞

Đảng viên được tự do ứng cử vào BCH Trung ương

19:34 | 24/01/2016
Bên lề Đại hội, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, đã trao đổi với báo chí về việc bầu cử, ứng cử các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Toàn cảnh Đại hội XII

Đại hội vừa biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Ông đánh giá thế nào về việc số lượng Ủy viên Trung ương chính thức khóa XII được nâng lên, trong khi số Ủy viên dự khuyết lại hạ xuống?

Vấn đề này đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thảo luận rất kỹ. Nhiều ý kiến cho rằng nên nâng số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lên vì hiện nay có nhiều nhiệm vụ phát triển và đặc biệt trong Đảng, do có nhiều bộ phận mới thành lập thêm như: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.... Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, không cần tăng lên nhiều, 200 đồng chí là hợp lý. Sau khi bàn luận, Đại hội đã thống nhất số Ủy viên chính thức tăng từ 175 đồng chí lên 180 đồng chí và Ủy viên dự khuyết giảm từ 25 đồng chí xuống còn 20 đồng chí. Nghĩa là Ban Chấp hành Trung ương vẫn giữ nguyên số lượng là 200 đồng chí, nhưng có sự thay đổi số lượng Ủy viên dự khuyết và Ủy viên chính thức.

Điều đáng nói nữa là lần đầu tiên, Trung ương có quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để từ đó luân chuyển, đào tạo. Trung ương mở 6 lớp đào tạo cán bộ cấp chiến lược tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Do vậy, công tác chuẩn bị nhân sự lần này chặt chẽ hơn, thấu đáo hơn từ cơ sở lên. Các đồng chí dự kiến giới thiệu vào Trung ương lần này được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu, đều qua rất nhiều vòng từ cơ sở, được Bộ Chính trị bỏ phiếu, rồi mới ra Trung ương giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Xin đồng chí cho biết, tiêu chuẩn đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương là gì?

Tiêu chí được nêu rất rõ đó là những đồng chí có năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và đặc biệt có trách nhiệm đối với đất nước và có tư duy về chiến lược. Đăc biệt, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đưa ra tiêu chí không để lọt những người cơ hội, những người thiếu phẩm chất đạo đức, những người đứng đầu tổ chức, đơn vị để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, mất đoàn kết, trù dập cán bộ… vào Ban Chấp hành Trung ương. Tôi cho rằng, đây là lần tổ chức nhân sự hết sức chặt chẽ và chọn được những người mà tôi rất tin là sẽ lãnh đạo đất nước ta phát triển vượt bậc.

Với Quy chế bầu cử hiện nay, các đại biểu có thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Không có gì khó khăn cả. Quy chế bầu cử rất thuận lợi. Hiện các đại biểu bắt đầu thảo luận. Các đại biểu hoàn toàn có quyền ứng cử và có quyền đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Người được đề cử mà muốn rút thì cũng do Đại hội quyết định cho rút hay không. Như vậy, tôi cho rằng vừa tập trung, vừa dân chủ và hai cái tập trung, dân chủ lần này hòa quyện với nhau rất rõ ràng.

Vậy đảng viên có quyền tự ứng cử không, thưa ông?

Hoàn toàn tự do. Trong điều lệ Đảng quy định, đảng viên ứng cử thì gửi đơn ứng cử lên Đại hội, kèm theo đơn ứng cử phải có lý lịch trích ngang, có nhận xét của địa phương. Hồ sơ ứng cử được hướng dẫn từ trước  Đại hội. Hồ sơ này không có gì phức tạp mà cuối năm bất cứ đảng viên nào cũng đều phải chuẩn bị như Bản kiểm điểm có nhận xét của địa phương nơi cư trú, chỉ thêm bản lý lịch trích ngang của người đó. Đồng chí đó phải cung cấp hồ sơ để các đại biểu trong Đại hội đọc được hồ sơ của đồng chí đó để Đại hội xem xét, bỏ phiếu.

Vậy nếu giơ tay ứng cử hoặc giới thiệu nhân sự mà không chuẩn bị hồ sơ của nhân sự đó có được không, thưa đồng chí?

Trong trường hợp này, Ban Tổ chức Đại hội sẽ cần thời gian để lấy hồ sơ vì  tất cả đảng viên đều có hồ sơ lưu tại đơn vị. 

Đã có ai tự ứng cử, thưa ông?

Hiện chưa có ai làm việc đó. Vì chiều nay mới bắt đầu họp đoàn, đồng chí trưởng đoàn có phổ biến về việc này. Sau đó ra Đại hội, Ban chấp hành Trung ương mới báo cáo trong Đại hội này ai ứng cử, đề cử và số lượng là bao nhiêu người. Lúc đó Đại hội sẽ quyết định là số dư bao nhiêu %, Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã giới thiệu số dư là hơn 10% (tức 21 người).