Dự kiến, ông Greenblatt sẽ gặp các quan chức cấp cao của Ai Cập để bàn về vấn đề hòa giải Palestine cũng như khả năng làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Palestine với Israel.
Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt. (Nguồn: AP) |
Chuyến thăm của ông Greenblatt diễn ra sau khi hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine là Fatah và Hamas đạt được thoả thuận sơ bộ dưới sự bảo trợ của Ai Cập, giúp chính quyền dân tộc Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas tiếp quản quyền kiểm soát và điều hành Dải Gaza từ tay Hamas. Thỏa thuận hòa giải Palestine có thể làm giảm sự phong tỏa của Israel và Ai Cập trong suốt một thập kỷ qua đối với dải đất ven biển của Palestine và thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa người Israel và Palestine.
Fatah và Hamas từng ký một loạt thỏa thuận hòa giải bao gồm thỏa thuận Mecca 2007, Sanaa 2008, Cairo 2011, Doha 2012 và Al-Shatyi 2014, song đều không thể thực hiện do không bên nào muốn từ bỏ quyền quản lý ở những vùng lãnh thổ mình đang kiểm soát, kể cả khi hai bên nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc năm 2014.
Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào tháng 3/2017, khi Hamas thành lập Hội đồng hành chính gồm 7 lãnh đạo cấp cao của phong trào này nhằm quản lý các vấn đề của Dải Gaza, động thái mà Tổng thống Palestine Abbas chỉ trích là “gây cản trở tiến trình hòa giải”. Tháng trước, phong trào Hồi giáo Hamas thông báo giải thể Hội đồng hành chính và đồng ý chuyển giao các chức năng chính quyền tại Dải Gaza cho chính quyền dân tộc Palestine của Tổng thống Abbas theo thỏa thuận ngày 19/9 tại Cairo do phía Ai Cập làm trung gian hòa giải.
Sau cuộc xung đột bùng phát giữa hai phe vào năm 2007, Hamas đã kiểm soát Dải Gaza trong khi Fatah đứng đầu chính quyền hoạt động ở Bờ Tây. Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine đã thất bại. Kể từ tháng 3/2009, Ai Cập đứng ra làm trung gian đàm phán hòa giải giữa hai phe phái này.