📞

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn: Hai vấn đề đối ngoại cần làm trong 6 tháng cuối năm

Anh Sơn 10:45 | 23/07/2021
Chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì buổi họp tổ.

Tại tổ số 7 gồm Đoàn đại biểu quốc (ĐBQH) các tỉnh: Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Gia Lai, Yên Bái, các đại biểu tiến hành thảo luận với sự chủ trì của bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại cuộc họp, các ĐBQH đều đánh giá cao sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống dịch và ổn định kinh tế vĩ mô tốt, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Thu ngân sách đạt cao, hầu hết các khoản thu đều đạt và vượt dự toán trên 50%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, thu nhập bình quân của người lao động có việc làm đều tăng hơn cùng kỳ.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao (bình quân mỗi tháng có khoảng 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động) đã khẳng định niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua.

Đầu tư cho phát triển tăng 7,2%, trong đó, đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng 32,2% đã khẳng định hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tương đối kịp thời đã góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Đại biểu Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với công tác đối ngoại hội nhập quốc tế, để phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế và phòng chống dịch bệnh, ngoài các hoạt động trọng tâm, thường xuyên đã tập trung vận động vaccine bằng nhiều hình thức, cả ngoại giao chính thức, đối ngoại song phương lẫn đối ngoại nhân dân để có nguồn vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể.

Đại biểu Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi họp tổ.

Theo đại biểu Bùi Thanh Sơn, 6 tháng cuối năm, cần đánh giá sâu, kỹ hơn, dự báo về chiều hướng của dịch bệnh Covid-19; tăng quỹ dự phòng của Chính phủ để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, ở góc độ đối ngoại, có hai vấn đề cần tiếp tục làm.

Một là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tăng cường ngoại giao vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị toàn diện Covid-19.

Hai là, tiếp tục vận động các nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội các nhà đầu tư nước ngoài đang tái cơ cấu chuỗi đầu tư trên toàn cầu hiện nay; song song với đó, các ngành, các cấp cần tiếp tục mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông sản trong điều kiện các quốc gia trên thế giới dần khống chế được dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản tăng cao.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Trưởng Ban Đối ngoại, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề cập tới sự cần thiết phải hoàn thiện các thiết chế công đoàn và quan tâm giải quyết nhà ở cho công nhân lao động.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho biết, đoàn viên công đoàn, người lao động đồng tình cao với chủ trương của Chính phủ và các địa phương là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội; mong muốn Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế để sản xuất vaccine phòng chống Covid-19, có giải pháp để người dân, công nhân lao động được tiếp cận công bằng với vaccine.