📞

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng

21:59 | 13/11/2018
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao năm 2018 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các báo cáo nói trên.

Tại phiên thảo luận, công tác phòng, chống tham nhũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Khó đề ra chỉ tiêu chính xác trong phòng, chống tham nhũng

Cơ bản tán thành nhiều nội dung được trình bày trong các báo cáo của Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xung quanh tình hình phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đánh giá, năm 2018 là năm hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến nay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng “không thể đề ra chỉ tiêu năm tới phòng bao nhiêu, chống bao nhiêu,” bởi “việc của chúng ta là ban hành luật, sửa luật, ban hành nhiều văn bản dưới luật để phòng, chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng là con người, người có chức, có quyền trừ nhân dân. Như vậy, đối tượng có điều kiện và khả năng tham nhũng có thể ước đoán được.”

Khẳng định lương tâm, phẩm chất đạo đức con người điều kiện quyết định hành vi tham nhũng, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu rõ muốn phòng ngừa tham nhũng thì xây dựng phẩm chất đạo đức của người cán bộ là yếu tố quan trọng hàng đầu; đồng thời, cần tăng nặng hình phạt cho hành vi tham nhũng. Pháp luật công bằng đối với tất cả mọi người.

“Tuy nhiên, người biết luật, người cầm cân nảy mực, người thi hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng mà vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thì tội phải nặng hơn,” đại biểu đề xuất.

Cho rằng năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá tình hình tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, đẩy lùi, góp phần quan trọng giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt, có nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ. Song theo đại biểu, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được chú trọng xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Về việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng, báo cáo chưa nêu rõ kết quả của việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ.

Đại biểu Trần Hồng Hà nêu thực tế, bên cạnh các bộ, ngành đã triển khai nhiều phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh một cách quyết liệt, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan thực hiện việc cắt giảm chậm trễ, hiện mới chỉ tiến hành rà soát hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án cắt giảm.

Có bộ cắt giảm điều kiện này lại phát sinh điều kiện khác. Đồng thời, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, vẫn tồn tại tình trạng chạy theo số lượng, mang tính đối phó và chỉ sửa đổi câu chữ mà không làm thay đổi tính chất thủ tục, hoặc chuyển điều kiện kinh doanh thành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát, tạo rào cản.

Hiện tượng cắt giảm theo kiểu gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất các sản phẩm này vẫn phải qua kiểm tra chuyên ngành vẫn còn phổ biến. Từ những thực tế này, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thông tin, số liệu cụ thể về kết quả thực hiện việc cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nêu trên; chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thực hiện thực chất, tránh chạy theo hình thức đối phó để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, số liệu thống kê về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho thấy kết quả đạt thấp hơn năm 2017.

Đại biểu Trần Hồng Hà đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2018, nêu rõ lý do vì sao công tác này không đạt được hiệu quả bằng năm 2017. Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể hơn để sớm hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra trong từng năm và cần có cam kết cụ thể, rõ ràng trong thực hiện những nhiệm vụ.

Tiến tới ngăn chặn triệt để tham nhũng vặt

Bên cạnh những loại tội phạm tham nhũng lợi dụng sơ hở trong cơ chế để trục lợi chính sách như nhóm lợi ích, “sân sau," công ty gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Tiền Giang) đề cập thêm tới vấn nạn tham nhũng vặt.

Theo đại biểu, đây là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp trong nhiều năm qua. “Nếu tham nhũng trục lợi chính sách là nguyên nhân gây suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt cũng có sức gây hại rất lớn đối với nền kinh tế-xã hội, đặc biệt là đã làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền,” đại biểu Hoa khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, việc xử lý loại tội phạm này không dễ vì số lượng rất đông, diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều lĩnh vực, đến mức những hành vi của loại tội phạm tham nhũng vặt như đưa phong bì “lót tay,” nhờ người “chạy trường,” “chạy việc,” “chạy điểm,” “chạy chức,” “chạy án” đã trở thành thói quen.

Đại biểu Hoa nêu rõ nạn tham nhũng vặt thực sự đã làm tha hóa, biến chất nhiều công chức, lâu dần trở thành nét văn hóa xấu xí của người Việt. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể về nguyên nhân, tác hại cũng như có giải pháp ngăn chặn loại tội phạm này.

Theo đó, cần tuyên truyền, vận động, làm thay đổi tư duy, thái độ của mỗi người Việt đối với vấn đề tham nhũng vặt; không coi những biểu hiện của tham nhũng vặt như vấn đề “lót tay”, “chung chi,” “bôi trơn” là phần tất yếu trong giao dịch với lực lượng chấp pháp; kiên quyết nói không với việc tiếp tay cho tham nhũng.

Đồng thời, cần công phá tư tưởng lợi ích nhóm, có những quy định cụ thể để nhận diện và xử lý tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền; đẩy nhanh cải cách hành chính, hạn chế cơ hội tiếp xúc giữa người dân với công chức thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, việc tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác quản lý, tuyển dụng, đề bạt cán bộ là cần thiết; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với công tác cán bộ; chuyển dần sang hình thức thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân.

Đại biểu Hoa đề xuất thanh lọc bộ máy công quyền là giải pháp phải tích cực thực hiện để tiến tới không còn nạn tham nhũng vặt. Ngoài ra, việc cải cách tiền lương gắn với trách nhiệm thi hành công vụ của công chức; thực hiện công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật... cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.

Về việc tăng cường, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tham nhũng vặt, đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ nêu ra việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, chưa nêu rõ tình hình tham nhũng vặt và kết quả thực hiện việc phòng, chống tham nhũng vặt trên thực tế.

“Trong thời gian chưa có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác ngăn chặn hiện tượng tham nhũng vặt được thực hiện như thế nào? Có hiệu quả hay không?” đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng báo cáo của Chính phủ cần thể hiện và có đánh giá rõ hơn về nội dung này.

Đại biểu Hà nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu đáng kể nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung ở những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng. Việc ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại và thường tập trung trong các lĩnh vực điển hình như y tế, giáo dục, vi phạm giao thông, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, đấu thầu, xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, giải quyết các thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa, trong tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức.

Mặc dù tình trạng tham nhũng vặt vẫn ngang nhiên tồn tại nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán, tố cáo hành vi tiêu cực vì ngại đụng chạm, sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.

Đại biểu Hà nêu rõ: “Ở một số ngành, địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng những khoản chi phí để "bôi trơn" khi đi làm các thủ tục hành chính. Người dân đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất phải đi lại nhiều lần, chờ đợi trong thời gian lâu vì các thủ tục rườm rà. Việc tham nhũng của một số cán bộ, nhân viên như vậy tại các cơ quan nhà nước nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.”

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải kiên quyết xử lý, siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân. Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng đề ra các biện pháp quyết liệt để kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Kiểm toán Nhà nước có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống tham nhũng

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng đánh giá của Ủy ban Tư pháp đối với Kiểm toán Nhà nước chưa công bằng. Ông Phớc khẳng định Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua đã có những đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt trong việc ngăn chặn những sơ hở trong chính sách, chẳng hạn từ BT, BOT, về đất đai, về cổ phần hóa. “Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản đề nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước dừng chuyện không cổ phần hóa các cảng biển và sân bay. Đây cũng là một đóng góp rất lớn của Kiểm toán Nhà nước,” ông Phớc nhấn mạnh.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, trong ba năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý tài chính và thu vào ngân sách gấp hàng chục lần các năm trước: Năm 2017, thu vào ngân sách Nhà nước trên 40.000 tỷ đồng và xử lý tài chính 97.000 tỷ đồng; trong năm 2018 và đến nay là 10 tháng đã cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước 103 thông báo kiểm toán, trên cơ sở đó tạo thuận lợi cho các cơ quan trong việc rà soát lại trách nhiệm, thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

“Như vụ đất 246 của Sabeco mới khởi tố gần đây cũng do số liệu của Kiểm toán Nhà nước cung cấp cho cơ quan điều tra. Vụ bảo hiểm xã hội mà các đồng chí thấy, cũng vừa khởi tố là cũng từ báo cáo kiểm toán của chúng tôi chuyển qua. Vụ ụ nổi của Vinaline cách đây mấy năm cũng từ kiểm toán phát triển ra,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ví dụ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định hạn chế của Kiểm toán Nhà nước là không có chức năng điều tra, không có chức năng xác minh khối tư nhân. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng không có chức năng giám định tư pháp về mặt tài chính, không có chức năng trong việc xác minh trả lời tố cáo.

“Khi có các vụ việc khi kiểm toán ngân sách của địa phương hoặc các bộ, ngành, chúng tôi phải trao đổi với cấp ủy và lãnh đạo ở đó, có trường hợp Tỉnh ủy, Ủy ban nói việc này để cho họ tổ chức thanh tra trở lại và xử lý. Vì ở các tỉnh có tất cả bộ máy và thực hiện chức năng của mình thì chúng tôi cũng phải tôn trọng,” ông Phớc cho biết.