📞

Dải Gaza: Rafah trở thành 'con tin', Israel ra 'tối hậu thư' cho Hamas

Bảo Minh 17:51 | 19/02/2024
Israel sẽ triển khai chiến dịch tại Rafah vào tháng tới nếu lực lượng Hamas không trả tự do cho những con tin còn bị giam giữ ở Dải Gaza trước khi bắt đầu tháng lễ Ramadan, dự kiến bắt đầu từ ngày 10/3.
Người Palestine di tản khỏi Khan Yunis dựng trại ở Rafah, biên giới Dải Gaza với Ai Cập, vào ngày 7/12/2023. (Nguồn: AFP)

Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho hay, thông báo trên do ông Benny Gantz - thành viên Nội các thời chiến được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thành lập trong thời gian xung đột với Hamas - đưa ra tại một hội nghị của các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Do Thái nhóm họp ngày 18/2 ở Jerusalem.

Trước đó, chính phủ Israel đã công bố kế hoạch mở chiến dịch quân sự tại thành phố biên giới Rafah ở Dải Gaza, giáp với Ai Cập, song chưa ấn định thời gian cụ thể.

Tối 17/2, tại Jerusalem, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tổ chức họp báo, một lần nữa khẳng định quyết tâm tới cùng với kế hoạch tấn công vào Rafah, nêu rõ: “Những ai muốn ngăn cản chúng tôi thực hiện chiến dịch này về cơ bản đang nói rằng: Hãy chấp nhận thua cuộc”.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Israel khiến cả thế giới lo ngại. Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và các đồng minh phương Tây đã cảnh báo Israel rằng, tấn công vào Rafah lúc này sẽ là một thảm họa và kêu gọi tạm dừng chiến dịch.

Thành phố Rafah giáp với biên giới Ai Cập ước tính đang là nơi lánh nạn của khoảng 1,4 triệu người Palestine sơ tán chiến tranh, chiếm tới 2/3 dân số của toàn bộ Dải Gaza. Đây cũng là nơi lánh nạn sau cùng của người dân Dải Gaza.

Trước khi nổ ra xung đột Israel-Hamas, Rafah có khoảng 260.000 người sinh sống trên diện tích khoảng 65 km², một mật độ dân cư dày đặc nhất thế giới.

Chưa bị tấn công, tình cảnh của người dân nơi đây đã vô cùng khó khăn. Rất nhiều người phải sống trong các túp lều tạm bợ, được làm từ bất cứ vật liệu gì họ tìm thấy. Cuộc sống chen chúc đang khiến bệnh viêm gan A lây lan nhanh chóng. Các cơ quan cứu trợ đã lên tiếng cảnh báo một cơn “ác mộng nhân đạo” về nạn đói và dịch bệnh.

Dù Thủ tướng Netanyahu cam kết thiết lập hành lang an toàn để sơ tán người dân, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ địa điểm an toàn mà dân thường có thể di dời đến trên Dải Gaza.

Trên thực tế đã có nhiều ý kiến nhận định Dải Gaza “không còn nơi nào an toàn” cho người dân sơ tán. Về vị trí địa lý, phía Nam của Rafah vướng biên giới Ai Cập, hướng Đông là biên giới Israel.

Phía Tây là Địa Trung Hải, có khu tị nạn al-Mawasi, nơi hàng chục nghìn người dân đang cắm lều trại trong một vùng sa mạc ven biển chật hẹp, không hệ thống cơ sở hạ tầng, không có các nguồn cung cấp cho nhu cầu thiết yếu.

Các thành phố xa hơn ở miền Bắc Dải Gaza là nơi không thể sinh sống do hầu hết hạ tầng đã bị phá hủy.

Tại miền Trung, giao tranh vẫn đang tiếp diễn. Liên hợp quốc cảnh báo tấn công vào Rafah có thể gây ra một cuộc “tàn sát với những hậu quả không thể đo đếm”.

Trong khi đó, nỗ lực đàm phán về một lệnh ngừng bắn đã kéo dài nhiều tuần qua nhưng chưa đưa đến thỏa thuận. Nhà hòa giải chủ chốt Qatar cuối tuần qua thừa nhận rằng triển vọng đang mờ nhạt.