Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, học giả có uy tín từ nhiều trung tâm khoa học và giáo dục hàng đầu của Nga như Viện hàn lâm Khoa học Nga, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov, Đại học Quốc gia Kazan, Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông, Học viện Kinh tế và hành chính công LB Nga, đặc biệt có sự tham gia của Đại sứ LB Nga tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga, đại diện thương mại của Nga tại Việt Nam và một số học giả từ Kazakhstan, Indonesia.
Trong bài phát biểu chào mừng từ Hà Nội, Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov đã nêu bật vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tận mắt chứng kiến quá trình chuyển đổi tích cực của Việt Nam gần đây với những thành tích đáng ghi nhận như kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và được cộng đồng quốc tế tín nhiệm. Ông Vnukov đặc biệt ấn tượng trước thành công của Việt Nam trong khống chế đại dịch Covid-19, giữ đà tăng trưởng kinh tế tốt.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế trực tuyến “Vai trò thay đổi của Việt Nam trong thế giới đương đại: Hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII”. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Nga) |
Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh khái quát về quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, nhấn mạnh Đại hội Đảng lần thứ XIII có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống chính trị của Việt Nam.
Chia sẻ đánh giá của Đại sứ K. Vnukov, Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt là giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đường lối chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, phát triển của Việt Nam được quốc tế coi trọng, đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thông qua 16 tham luận và các ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả Nga và quốc tế đã tập trung thảo luận những đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại và chiến lược phát triển của Việt Nam, những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục... thời gian qua, định hướng phát triển của Việt Nam thời gian tới.
Nhiều tham luận nhấn mạnh thành công của Việt Nam trong đối phó với đại dịch Covid-19, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đề cao chính sách đối ngoại hòa bình, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới của Việt Nam, nỗ lực và quan điểm nhất quán của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Hội thảo nhất trí cho rằng Việt Nam đương đại có mọi khả năng để phát triển thành công và ổn định, thực hiện thành công chiến lược phát triển đất nước trong dài hạn; khắc phục được trở ngại như tệ tham nhũng, suy thoái trong hàng ngũ cán bộ cũng như các hoạt động chống phá, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Các đại biểu cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga sẽ tiếp tục nồng ấm và ngày càng được củng cố, phát triển.
Đáng chú ý, về Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg cho rằng, đối với Việt Nam, Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh môi trường quốc tế ổn định nhưng đầy khó khăn, phức tạp.
Thành phần mới của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa tới sẽ đứng trước nhiệm vụ to lớn, cần phải tiếp tục đưa Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định chính trị, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và cần tính toán chính xác về tương quan quyền lực chính trị trong khu vực và toàn thế giới.
GS. Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh đánh giá Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh môi trường quốc tế ổn định nhưng đầy khó khăn, phức tạp. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ông Kolotov, Việt Nam hiện có nhiều nguồn lực hơn trước, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ sáng suốt tìm ra con đường tối ưu cho mình để phát triển đất nước, giống như lịch sử những thập kỷ gần đây khi đất nước đứng trước sự lựa chọn mang tính quyết định. Vấn đề chính đặt ra là nhân sự và hiệu quả quản lý các nguồn lực.
Về lĩnh vực kinh tế, Tiến sĩ Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện hàn lâm Khoa học Nga cho rằng Việt Nam đã phát triển tốt mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN khi tận dụng vị thế của mình và quá trình toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Đại hội Đảng XIII không hề nhỏ khi kinh tế Việt Nam 3 năm gần đây tăng trưởng thấp nhất trong thời kỳ đổi mới, hơn nữa Việt Nam cần giải quyết bài toán phát triển kinh tế kết hợp bảo đảm môi trường sinh thái trong định hướng cho chu kỳ kinh tế tiếp theo.
Trong khi Phó Đại diện thương mại Nga tại Việt Nam Aleksander Kardo-Sysoev cho rằng, môi trường kinh tế đối ngoại của Việt Nam hiện đang thuận lợi và ổn định, vai trò của Việt Nam trên thế giới thay đổi nhanh chóng.
Việc ký kết và tham gia nhiều thỏa thuận thương mại quốc tế gần đây càng gia tăng luồng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cộng với hệ thống chính trị ổn định, môi trường an ninh tốt, công tác chống đại dịch thành công là những yếu tố quan trọng tạo điều kiện tốt để thúc đẩy kinh tế của Việt Nam những năm tới.
Trong tham luận của mình, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow cho rằng, với các chỉ số kinh tế ổn định, chính sách đối ngoại chủ động và tích cực, đóng góp của Việt Nam trong đời sống chính trị quốc tế, Việt Nam xứng đáng được coi là một “cường quốc tầm trung” tương tự như một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Maksim Sunnerberg của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov khẳng định, Việt Nam đã và đang chứng tỏ với thế giới là nước dân chủ thông qua các chính sách phát triển của mình, bảo đảm và nâng cao quyền lợi và khả năng tham gia của phụ nữ trong xã hội cũng như chính trị, kinh tế.
Tiến sĩ Evgeny Vlasov, Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế Trường Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông coi Việt Nam như một hiện tượng trong ASEAN về phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhận định thành công của Việt Nam trong nằm ở chỗ Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng chống dịch và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, qua đó nâng cao tín nhiệm của Đảng.
| Người Việt ở nước ngoài tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng TGVN. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp ý kiến nhằm thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của ... |
| Báo Mexico: Việt Nam là hình mẫu kiểm soát dịch bệnh với nguồn lực hạn chế TGVN. Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương trả lời phỏng vấn báo Tái thiết (Regeneracion) về vai trò lãnh đạo quan trọng ... |
| Đại sứ Ngô Đức Mạnh dự Hội thảo trực tuyến tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh TGVN. Ngày 11/12 diễn ra Hội thảo trực tuyến “Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. 100 năm ... |