Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân thông báo tới ngoại giao đoàn về kết quả Đại hội XIII. |
Tới dự cuộc họp báo có Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng; cùng đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương…
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 25/1-1/2, tại Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên, đã thành công rực rỡ, hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
12 định hướng, 6 nhiệm vụ, 3 đột phá
Đại hội đã thảo luận và nhất trí cao thông qua 5 Văn kiện quan trọng, gồm: (i) Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng (đây là Văn kiện trung tâm của Đại hội); (ii) Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; (iii) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; (iv) Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; (v) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (trình Đại hội XIII).
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã thông tin một số nội dung chủ yếu của các văn kiện đã được thông qua. Theo đó, về đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và 35 năm đổi mới, Đại hội đã thống nhất rất cao với nhận định mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam, tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và với thực tiễn của Việt Nam.
Đông đảo đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội tới tham dự cuộc họp báo sáng 3/2. |
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, điểm nhấn quan trọng trong các văn kiện thông qua tại Đại hội XII lần này là xác định tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam không chỉ đến năm 2025 mà còn có đường lối, tầm nhìn dài rộng hơn đến 2030 và 2045.
Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, Đại hội xác định tầm nhìn phát triển hướng đến các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu để định hướng sự phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn tới. Theo đó, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD.
Để thực hiện thành công tầm nhìn phát triển đã đề ra, Đại hội xác định 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, cụ thể hóa hệ thống 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và bổ sung nội hàm của 3 đột phá chiến lược cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cũng thông báo tới ngoại giao đoàn kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Theo đó, Đại hội đã bầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội là Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII), gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Trong số 200 ủy viên Trung ương được bầu, có 19 đồng chí cán bộ nữ.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 người, bầu Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 5 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là ông Trần Cẩm Tú. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Ông Hoàng Bình Quân cho biết, Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam. Đại hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá nhận định và thống nhất về các phương hướng, chủ trương, chính sách đối ngoại.
Quang cảnh cuộc họp báo. |
Đại hội khẳng định chủ trương chung là: Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Về cụ thể, Đại hội xác định trong nhiệm kỳ tới sẽ triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng với các nội dung như sau:
(i) Kết hợp chặt chẽ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
(ii) Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Nâng cao năng lực hội nhập, nhất là cấp vùng và cấp địa phương, doanh nghiệp, tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại, nhất là các FTA đã ký kết. Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt hiệu quả, tích cực triển khai các cam kết quốc tế. Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
(iii) Chủ động đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng và an ninh.
(iv) Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp vào quảng bá hình ảnh đất nước.
Tại buổi họp báo, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cũng thông báo, Đại hội XIII đã nhận được tổng cộng gần 370 thư, điện mừng của lãnh đạo các chính đảng, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các cá nhân và bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chúc mừng tới Đại hội và tới Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và tình cảm đối với Đảng, đất nước và nhân dân Việt Nam.
"Đây là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với quyết tâm của toàn Đảng toàn dân và toàn quân chúng tôi", ông nói.