📞

Đại sứ Hà Lan: Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là 'chìa khóa' mở ra tương lai bền vững cho cả hai quốc gia

Thu Trang 14:41 | 10/12/2022
Trước thềm chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar chia sẻ với báo chí những đánh giá và kỳ vọng của ông về sự kiện đặc biệt này.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Hà Lan sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Thu Trang)

Xin Đại sứ chia sẻ những đánh giá của mình về chuyến thăm chính thức Hà Lan sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính?

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh dấu mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Hà Lan và Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hà Lan là một sự khẳng định rằng hai nước chúng ta đang đi đúng hướng. Một mặt, chuyến thăm dựa trên và tiếp nối thành công song phương tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) này 28/11 vừa qua, hướng tới cùng nhau xây dựng mối quan hệ bền vững. Mặt khác, chuyến thăm cũng tạo cơ hội thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh giữa hai nước và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.

Tôi tin rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ Hà Lan và Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu cũng như gắn kết công dân hai nước, trở thành "chìa khóa" mở ra tương lai có trách nhiệm và bền vững cho cả hai quốc gia chúng ta.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan. Theo Đại sứ, hai nước đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong thời gian qua và đâu là những lĩnh vực hợp tác trọng tâm và ưu tiên giữa hai nước để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới?

Hà Lan và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao lâu bền. Thủ tướng Việt Nam và Hà Lan đã có nhiều chuyến thăm lẫn nhau.

Hợp tác thương mại có lẽ là điều khiến chúng ta tự hào khi không ngừng phát triển mạnh mẽ, thậm chí còn phát triển hơn nữa nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFFTA). Hiện Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) của Việt Nam.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hà Lan diễn ra vào thời điểm ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thắt chặt hợp tác hơn nữa để thực hiện cam kết chung đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Chúng ta có thể tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ: chính phủ, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu đào tạo. Hai nước cần chia sẻ những thách thức chung về môi trường, bởi nếu không hành động, chúng ta sẽ chìm xuống so với mực nước biển. Chính vì vậy, hai nước cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, quản lý nước, năng lượng tái tạo…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 ngày 28/11. (Nguồn: TTXVN)

Hà Lan là đối tác thương mại EU hàng đầu của Việt Nam. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hai nước đã triển khai Hiệp định này như thế nào để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại?

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, thương mại giữa EU và Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể. Riêng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu cũng ngày càng nhiều.

Với 60% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU thông qua cảng Rotterdam, Hà Lan đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của thương mại EU-Việt Nam.

Là trung tâm logistics và là cửa ngõ vào châu Âu, chúng tôi cũng quan tâm đến việc hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Để hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được vận chuyển đi khắp thế giới, điều quan trọng là phải phát triển cơ sở hạ tầng logistics xanh và thông minh.

Hà Lan cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phát triển nền kinh tế tuần hoàn với việc sử dụng phổ biến năng lượng tái tạo. Cam kết này đã được triển khai thực tế như thế nào? Hà Lan có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với Việt Nam?

Chúng tôi tự hào rằng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hà Lan và chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thực hiện.

Đã có một số dự án cụ thể với sự tham gia của các công ty và chuyên gia Hà Lan. Danh mục dự án hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long đã lên tới hơn 50 triệu Euro, trong đó tập trung vào biến đổi khí hậu, nước và nông nghiệp.

Ngoài ra, trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Hà Lan đang đạt được nhiều dấu ấn lớn, đơn cử như năng lượng gió ngoài khơi và các giải pháp xử lý chất thải thành năng lượng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số thách thức phía trước. Ví dụ như, việc phân phối năng lượng tái tạo trong trường hợp sản xuất dư thừa, Việt Nam vẫn thiếu khung pháp lý và cơ sở để các doanh nghiệp chia sẻ tài nguyên.

Hà Lan không chỉ có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm đúng đắn về công nghệ mà còn có thể tìm ra các phương pháp tối ưu vì lợi ích của không chỉ nền kinh tế hai nước mà còn cả lợi ích khí hậu toàn cầu.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh té thương mại song phương bên lề GEFE 2022 ngày 28/12. (Nguồn: MOIT)