Back to E-magazine
e magazine
20:00 | 07/03/2021
CHUYỆN ĐẠI SỨ. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

20:00 | 07/03/2021

TGVN. Trò chuyện với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada và Hà Lan Đinh Thị Minh Huyền về cố Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, dù chưa được một lần vinh dự được gặp ông lúc đương thời nhưng tôi có thể hình dung phần nào về ông một cách sống động qua các câu chuyện của bà Đại sứ.
ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Kể ra cũng dễ lý giải bởi từ khi bà Huyền vào ngành Ngoại giao đầu những năm 70 của thế kỷ trước, ông Thạch đã là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công tác đấu tranh chống Mỹ (từ 1964), trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ trong đàm phán với Mỹ (1972–1973) đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Cũng ít ai may mắn như bà khi được nhiều cơ hội làm việc với ông Thạch với vai trò người làm công tác ngoại giao đa phương và phiên dịch trong khoảng thời gian 1979-1991, giai đoạn được coi là bão táp nhất trong lịch sử nền ngoại giao Việt Nam kể từ sau 1975.

“Tôi luôn cảm thấy thật may mắn khi mới vào nghề đã có nhiều cơ hội được làm việc, rèn luyện, dưới sự chỉ bảo, rèn giũa trực tiếp của ông Thạch”, bà Huyền bày tỏ.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh ở Cuba năm 1972, cùng vốn tiếng Anh được tôi luyện với các giáo viên Anh và Mỹ trong suốt 5 năm ở đất nước vùng Caribbean, bà Đinh Thị Minh Huyền được tuyển ngay về công tác tại Phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao. Sau này, bà có cơ may phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó có ông Nguyễn Cơ Thạch. Bà từng phiên dịch cho đoàn nghị sĩ và các nhà báo đi thăm một số tỉnh miền Nam tìm hiểu hậu quả chiến tranh, kể cả nạn nhân chất độc da cam.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Sau 2 năm được cử đi học nâng cao ở Australia (1976-1978), năm 1979, bà được điều về công tác tại Vụ Các vấn đề chung (thành lập năm 1978, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977. Vụ này sau đổi tên là Vụ Các vấn đề chính trị, từ 1989 đến nay là Vụ Các tổ chức quốc tế). Bà liên tục làm việc tại đây cho đến khi nghi hưu. Từ khi thành lập đến nay, Vụ có nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi hoạt động, đề xuất chủ trương và tham gia tại diễn đàn Liên hợp quốc (LHQ), Phong trào Không liên kết (KLK)... trên các vấn đề chính trị như hoà bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị, các vấn đề nhân quyền, xã hội...

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Sau năm 1975, Việt Nam cùng lúc đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, bị cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, gặp rất nhiều khó khăn, bị dồn ép trên các diễn đàn quốc tế...

Ngay từ năm 1979, cuộc đấu tranh về cái gọi là vấn đề Campuchia đã “nổi sóng” tại LHQ, và Phong trào KLK... Đề mục quyền đại diện Campuchia và tình hình Campuchia bị đưa ra thảo luận rất gay gắt, quyết liệt. Trong giai đoạn 1979-1991, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch với vai trò Quốc vụ khanh (1979), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (từ tháng 1/1980) trực tiếp chỉ đạo và tham gia đấu tranh tại nhiều khóa họp hằng năm của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ tại New York và một số cuộc họp cấp cao Phong trào KLK... để đấu tranh trên vấn đề này.

Có lẽ cũng là cơ duyên, bởi ngay khi về Vụ Các vấn đề chung, bà Huyền đã tham gia đoàn Việt Nam dự khóa họp Đại hội đồng LHQ 34 ngay từ năm 1979 và nhiều khóa họp ĐHĐ LHQ các năm sau đó.

Theo lời Đại sứ Huyền, LHQ thời đó khác xa ngày nay. Mỹ và các nước phương Tây khống chế LHQ. So sánh lực lượng hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Tại các cuộc thảo luận chung và 2 đề mục nêu trên về Campuchia, Mỹ, Trung Quốc, các nước ASEAN, các nước phương Tây… hùa nhau vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia.

Trong tình thế khó khăn đó, với sự tham gia và chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ta đã tích cực triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh, kể cả vận động, phối hợp với các nước xã hội chủ nghĩa, một số bạn bè tích cực phát biểu, tận dụng các cơ hội, dùng quyền trả lời để làm rõ quan điểm của ta, và phản bác các vu cáo.

Mặc dù ta kiên quyết phản đối, LHQ vẫn thông qua quyết định sai trái giữ ghế đại diện của Campuchia cho Campuchia Dân chủ (Polpot) và thông qua nghị quyết chống Việt Nam tại Đề mục tình hình Campuchia với đa số phiếu chống áp đảo, yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia vô điều kiện.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Nhớ lại thời khắc khó khăn nhưng cũng đầy dấu ấn trong cuộc đời hoạt động ngoại giao, bà Huyền chia sẻ: “Tôi đã may mắn được là người tham gia cuộc đấu tranh trên, dưới sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của ông Thạch, trong giai đoạn đầy khó khăn khắc nghiệt. Đây cũng là giai đoạn giúp tôi trưởng thành nhiều, và học hỏi được nhiều điều quý giá từ ông, thủ trưởng và người thầy tài ba, uyên bác mà tôi vô cùng kính trọng”.

Nói về người thủ trưởng bà rất mực kính trọng, Đại sứ Huyền nhận xét: “Ông Thạch đã dồn hết tâm trí và thời gian để đưa ra những quyết sách đúng đắn, đưa ngoại giao, lực lượng nòng cốt, đi đầu trong đấu tranh đưa đất nước ta thoát khỏi thế cô lập chính trị, cấm vận kinh tế; tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa ta với các nước láng giềng, nước lớn; tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của nước ta, trong đó có giải pháp cho vấn đề Campuchia và bình thường hoá quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn”.

Và với bà Huyền, có rất nhiều bài học bổ ích về ngoại giao mà bà học được từ trưởng đoàn Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt từ những lần làm phiên dịch cho ông trong các cuộc tiếp xúc marathon ở New York.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ
ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Một khóa họp ĐHĐ LHQ diễn ra trong 3 tháng, trong đó có Tuần lễ Cấp cao với sự tham dự của trưởng đoàn các nước trong cuộc thảo luận chung.

Tại các khóa họp ĐHĐ LHQ mà ông Thạch tham gia tại New York (ông tham dự Tuần lễ Cấp cao rồi về nước), ông trực tiếp chỉ đạo và tham gia nhiều công việc.

Tuy nhiên, việc chiếm nhiều thời gian nhất của ông là các cuộc gặp song phương bên lề khóa họp với trưởng đoàn các nước có quan điểm khác ta (do Phái đoàn ta thu xếp từ trước) để trình bày, giải thích cho họ về thực chất tình hình Campuchia, về tội ác diệt chủng của bè lũ Polpot, về tính chính nghĩa của quân Việt Nam ở Campuchia, về chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập của Việt Nam, qua đó bác bỏ các vu cáo, tranh thủ, vận động họ ủng hộ ta.

Tuần lễ Cấp cao trong một khóa họp ĐHĐ luôn là khoảng thời gian thật vất vả nhưng bà Huyền luôn cảm thấy tự hào khi là nhân chứng hiếm hoi được tham gia các cuộc tiếp xúc của ông Thạch.

Thời gian một tuần đó có khoảng vài chục cuộc gặp với trưởng đoàn các nước. Các cuộc gặp diễn ra liên tục, ngày hai buổi, khách trước ra thì khách sau vào. Tiếp nối vào buổi tối và ngày cuối tuần là các cuộc gặp Việt kiều, bạn bè Mỹ...

Ông Thạch sử dụng tiếng Pháp thành thạo nên không cần phiên dịch. Bà Huyền được cử làm phiên dịch tiếng Anh cho ông Thạch và viết biên bản tiếp xúc.

Tuy nhiên, trên thực tế, “tôi không phải dịch”, theo lời cán bộ ngoại giao đa phương kỳ cựu. “Ông sử dụng tiếng Anh một cách rành rọt, dễ hiểu, thỉnh thoảng hỏi tôi vài từ tiếng Anh cho chuẩn. Khi đó tôi phải trả lời từ tiếng Anh thật chính xác”, Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền kể.

Qua vài cuộc tiếp xúc, bà Huyền hiểu hơn nội dung, phương pháp tư duy, lập luận của ông Thạch nên bà có thể dự đoán trước và sẵn sàng “bật” rất nhanh và đúng lúc các từ tiếng Anh, không cần đợi ông hỏi.

Có lẽ nhờ đó, bà Huyền thường được cử làm phiên dịch cho ông trong các dịp ông Thạch dự khóa họp ĐHĐ LHQ.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Ông Thạch luôn tỏ thân thiện, vui vẻ trong tiếp xúc, trình bày khúc chiết và dễ hiểu.

Khi trao đổi hoặc trả lời, nhất là trả lời các câu hỏi khó, lập luận của ông Thạch luôn có sức thuyết phục cao, tinh tế, dí dỏm, có khi làm cả ông và khách đều cười, khiến các cuộc tiếp xúc, ngay cả với những người có quan điểm khác ông (về vấn đề Campuchia) cũng trở nên nhẹ nhàng, không căng thẳng.

Để bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia, ông Thạch đặt câu hỏi: “Trường hợp hàng xóm nhà bạn bị bọn cướp đến cướp của, giết người, và họ kêu cứu, là hàng xóm, bạn có chạy sang giúp họ không?”.

Trong khi khách đang lúng túng chưa trả lời, ông Thạch tự trả lời luôn rằng:

“Tôi tin bạn sẽ phải giúp; Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ diệt chủng Polpot giết hại gần ba triệu người Campuchia vô tội, theo đề nghị của nhân dân Campuchia...”

Để trả lời câu hỏi của cựu thù Mỹ vì sao Việt Nam không rút hết mà còn để lại quân ở Campuchia, ông Thạch trả lời: “Quân Việt Nam ở lại để giúp bảo vệ người dân Campuchia vẫn đang lo sợ bọn diệt chủng Polpot quay trở lại giết họ bất cứ lúc nào; Nếu Mỹ cứ đòi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và Việt Nam rút hết quân về nước thì khi bọn diệt chủng Polpot quay trở lại Campuchia, lúc đó ai sẽ là người giúp họ. Chính Mỹ sẽ phải có trách nhiệm giúp nhân dân Campuchia”.

(Ông Thạch cười, khách cũng cười!).

Để đập tan ảo tưởng của một số nước cố tiếp tục “hà hơi tiếp sức” hòng đưa Campuchia Dân chủ của Polpot quay trở lại Campuchia, ông Thạch khẳng định chắc nịch “tình hình Campuchia là không thể đảo ngược”.

Câu này được ông Thạch nhắc lại nhiều lần trong các bài phát phát biểu, các cuộc tiếp xúc, họp báo.

Rồi ông nói về đất nước Campuchia đang hồi sinh, về các đợt rút quân Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẽ rút hết quân về nuoc. Các câu hỏi của khách đều được ông trả lời thẳng thắn và có sức thuyết phục cao.

Nhiều khi dù khác quan điểm nhưng khách được ông tiếp đều rất nể phục, coi ông như là một chính khách lớn, một nhà ngoại giao tài ba và rất vui khi được tiếp xúc với ông Thạch. Kết thúc cuộc gặp, cả ông và khách chia tay vui vẻ.

Ngày 20/9/1977, khóa họp 32 ĐHĐ LHQ đã nhất trí quyết định kết nạp Việt Nam vào LHQ (thành viên thứ 149). Khóa họp cũng đã thông qua nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

“Đây là những ngày tháng đẹp trong quan hệ Việt Nam- LHQ. Tuy nhiên, từ 1979 khi Việt Nam bị vu cáo xâm lược Campuchia, bị bao vây cấm vận, thì quan hệ Việt Nam - LHQ bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn tranh thủ được nguồn lực đáng kể từ viện trợ trực tiếp, không hoàn lại của hệ thống phát triển của LHQ trong thời điểm Việt Nam cực kỳ khó khăn, chỉ có nguồn viện trợ duy nhất từ Liên Xô và các nước XHCN. Từ 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam- LHQ là quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả, trở thành hình mẫu hợp tác giữa LHQ và một nước đang phát triển”, theo Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền.

Ngoài vấn đề Campuchia, các thế lực thù địch còn sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, người Việt Nam di tản, vấn đề người hoa, người trong trại cải tạo… để bôi nhọ, vu cáo Việt Nam. Bà Huyền đảm nhiệm những công việc này trong nhiều năm.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Hết sức chủ động, hết sức khôn khéo bảo vệ quan điểm của mình và bác bỏ những quan điểm khác biệt bằng những lý lẽ có sức thuyết phục, nhạy bén, đổi mới tư duy, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trên hết là sự nỗ lực hết mình, chiến đấu để bảo vệ lợi ích đất nước là những bài học quý báu bà học từ ông Thạch. Những bài học đó đã thấm sâu, khắc vào tâm trí và được bà thể hiện trong công việc để đạt được kết quả ở mức tối đa, dù khi là chuyên viên, cấp Vụ, Đại sứ hay đại diện Việt Nam tại các tổ chức quốc tế.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ
ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Đại sứ Huyền cho biết, ông Thạch đóng vai trò chủ chốt đưa ngoại giao góp phần quan trọng vào khôi phục nền kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề.

Ngoài việc tranh thủ viện trợ từ hệ thống phát triển của LHQ, các tổ chức quốc tế, ông Thạch chủ động, tích cực tìm hiểu kinh nghiệm các nước về chống lạm phát, cải cách, mở cửa, về khái niệm kinh tế thị trường (hoàn toàn mới vào thời điểm đó ở Việt Nam), đưa đến những đóng góp có ý nghĩa vào đổi mới tư duy kinh tế phục vụ công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế sau này.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Thời đó, ông Thạch đã cho dịch và phát hành lần đầu tiên ở Việt Nam cuốn “Kinh tế học” của Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus và mời một số trí thức Việt kiều, các giáo sư kinh tế nổi tiếng nước ngoài về nước nói chuyện về lý thuyết kinh tế tư bản, về kinh tế thị trường, những điều đôi khi được đề cập khá “e dè” vào thời đó.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ
ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Những người làm việc với ông Thạch đều biết ông rất nghiêm khắc và đòi hỏi cao trong công việc. Tuy nhiên, trong cuộc sống, ông Thạch lại rất giản dị và thân mật.

Bà Huyền vẫn nhớ như in câu chuyện về sự quan tâm của thủ trưởng đối với cấp dưới.

Trong đợt tham dự khóa họp ĐHĐ LHQ năm 1980, đoàn có 3 nữ là bà Linh Quy, bà Bình Thanh và bà Huyền.

Thời đó, đất nước còn nghèo. Trước khi đi họp ở nước ngoài, các cán bộ thường đến Kho Trang phục (thuộc Phòng Quản trị, Vụ Quản trị Tài vụ của Bộ) để mượn quần áo, comple, áo dài, giày, vali... mang đi dùng.

Đến New York, dù mặc nhiều quần áo song các bà vẫn lạnh co ro khi ra ngoài.

“Chị Ngọc Dung, Đại sứ Phái đoàn thường trực, cho chúng tôi mượn áo khoác dài cũ của chị và người trước để lại. Tôi trẻ, gầy nhỏ nhất đoàn, khoác chiếc áo vừa dài, vừa rộng lại nặng.

Không sao, được thế là tốt rồi, ấm rồi, chúng tôi không ai phàn nàn vì đất nước còn đang nhiều khó khăn”, bà Huyền nhớ lại.

Thật bất ngờ, vài ngày sau, cuối cuộc họp giao ban, Đại sứ Ngọc Dung thông báo: Bộ trưởng Thạch đã quyết định chi cho ba chị em, mỗi người 150 đô la (tương đương một tháng lương của một cán bộ Phái đoàn lúc đó) để mua sắm quần áo.

Bà Huyền chia sẻ: “Đây là một quyết định rất đặc biệt và chưa có tiền lệ của Bộ trưởng trong nhiều năm. Ba chị em mừng lắm, ngay hôm sau ra cửa hàng mua sắm.

Với số tiền đó, tôi mua được một chiếc quần nhung, áo vest len, một đôi giày da đẹp. Tôi súng sính diện luôn với cảm giác vô cùng sung sướng như vừa được bố mẹ sắm cho quần áo mới ngày Tết.

Ông Thạch và anh em trong đoàn và Phái đoàn đều rất vui khi thấy chị em có quần áo mới, không ai thắc mắc hoặc tị.

Sáng hôm sau, trong cuộc họp giao ban, tất cả chúng tôi mới biết ông Thạch đang dùng cái tất rách thủng lỗ... Chúng tôi vô cùng cảm động và ghi nhớ mãi sự quan tâm chu đáo đó của ông đối với chị em chúng tôi, mà không nghĩ đến bản thân mình”.

Không chỉ về trang phục, điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại của cán bộ Phái đoàn ta lúc đó hết sức khó khăn do bị bao vây cấm vận (bị áp đặt đi lại trong phạm vi 25 dặm).

Phái đoàn không có tiền thuê văn phòng làm việc. Căn hộ vừa là nơi làm việc của cơ quan, vừa là nơi ở của các cán bộ, nhân viên nên rất chật chội.

Mỗi khi đến New York dự họp, ông Thạch không cho phép thuê phòng khách sạn cho ông mà ông ở chung trong căn hộ, cùng chia ngọt sẻ bùi với anh em.

***

Nhớ lại giai đoạn đấu tranh ngoại giao nhiều cam go, đối với bà Huyền, đó là thời gian thực sự ý nghĩa. Áp lực luôn phải nỗ lực để đáp ứng các đòi hỏi cao trong công việc của thủ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng là cơ hội để bà học hỏi những bài học quý giá, trở thành hành trang và “chìa khóa” mở cánh cửa đến với các vị trí cao hơn trong sự nghiệp ngoại giao của bà.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Những cuộc đấu trí của ông Nguyễn Cơ Thạch ở Liên hợp quốc và kỷ niệm về chiếc tất thủng lỗ

Bài: Vân Hồ

Đồ họa: Phạm Anh Tuấn

Ảnh: Nguyễn Hồng, TTXVN, NVCC.

Đọc thêm

Tích lũy đủ 'chất và lượng', cùng nhau hướng tới tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia

Tích lũy đủ 'chất và lượng', cùng nhau hướng tới tầng nấc mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia

Nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về tầm quan trọng của chuyến thăm và kỳ vọng về một tầm cao mới của quan hệ song phương được thúc đẩy trong khuôn khổ chuyến công tác.
Trao đổi cấp cao trực tiếp có vai trò quan trọng dẫn dắt và định hướng quan hệ Việt Nam-Campuchia

Trao đổi cấp cao trực tiếp có vai trò quan trọng dẫn dắt và định hướng quan hệ Việt Nam-Campuchia

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng việc tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa các nước láng giềng, trong đó có Vương quốc Campuchia; cũng như thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Malaysia: Sẻ chia khát vọng và tầm nhìn tới tương lai

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Malaysia: Sẻ chia khát vọng và tầm nhìn tới tương lai

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm theo lời mời của Thủ tướng Dato Seri Anwar Ibrahim phản ánh cam kết của cả hai nước trong việc củng cố mối quan hệ song phương.
'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

'Hạt hòa bình' gieo mầm ngoại giao nông sản Mỹ-Trung

Nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành dự án "hạt hòa bình" nhằm thúc đẩy cân bằng thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
Hàng trăm nhà ngoại giao tham gia hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh

Hàng trăm nhà ngoại giao tham gia hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh

Hơn 300 cán bộ ngoại giao, đại sứ, đại biện lâm thời, các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, hội viên các hội hữu nghị đã tham gia Hành trình đạp xe hữu nghị vì Hà Nội xanh.
Quan hệ Việt Nam-Mông Cổ: Khí thế mới của ‘bài ca mang âm hưởng ngút ngàn’

Quan hệ Việt Nam-Mông Cổ: Khí thế mới của ‘bài ca mang âm hưởng ngút ngàn’

Tròn bảy thập kỷ cũng là hành trình quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đi qua những gian khó, thử thách để trở nên gắn kết, vững bền như một bài ca với âm hưởng ngút ngàn đi cùng năm tháng giữa thảo nguyên bao la. Cùng Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh nhìn lại con đường và những “giai điệu” trong bài ca đó...