Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) tiếp Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre, ngày 14/7/2021, tại Hà Nội. (Nguồn: quochoi.vn) |
Đại sứ có thể chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Philippines của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?
Chúng tôi rất hoan nghênh chuyến thăm chính thức Philippines của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm thích hợp sau khi hai nước mở cửa biên giới và khôi phục hoạt động sau đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thứ ba thăm chính thức Philippines. Chuyến thăm Philippines đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là vào năm 1993 và lần thứ hai vào năm 2003, gần hai thập niên trước.
Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre. (Nguồn: Đại sứ quán Philippines) |
Chúng tôi tin tưởng chuyến thăm này sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực cùng có lợi như hội nhập kinh tế, hòa bình và an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp, y tế, khoa học…
Theo Đại sứ, Philippines và Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Quốc hội hai nước?
Đối thoại chính thức và không chính thức giữa lãnh đạo và nghị sĩ Quốc hội hai nước luôn có ý nghĩa quan trọng. Nghị viện của cả hai quốc gia cũng có thể xem xét tổ chức các hội thảo chung và xây dựng năng lực cho các nghị sĩ của hai bên.
Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực này trong thời gian tới.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo, nghị sĩ Quốc hội Philippines và Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) cũng góp phần đảm bảo đối thoại liên tục và hữu nghị giữa Quốc hội hai nước.
Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực để triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam-Philippines triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2024 thời gian qua?
Thời gian qua, hai bên đã duy trì nỗ lực chung để triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam-Philippines, thú đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2024. Tuy vậy, trong hai năm qua, việc triển khai Kế hoạch có phần hạn chế do nguồn lực được ưu tiên vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
Từ nửa cuối năm nay, các hoạt động giữa hai nước tại các diễn đàn khác nhau đã được khôi phục. Chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sĩ Philippines Ronald Dela Rosa vào tháng trước và chuyến thăm Manila của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này là những biểu hiện thiết thực của sự hợp tác chính trị giữa hai nước thông qua các hoạt động liên nghị viện đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động.
Vừa qua, Philippines đã tham dự một số sự kiện trong khuôn khổ ASEAN tại Việt Nam như Diễn đàn cao cấp OECD-Đông Nam Á do Việt Nam đồng chủ trì; chứng kiến các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước như chuyến thăm của các sinh viên Trường Cao đẳng Quốc phòng Philippines tới Hà Nội...
Ngoài ra còn có nhiều cuộc họp liên quan đến kinh tế-xã hội và khoa học tại Việt Nam mà Philippines đã tích cực tham gia, bao gồm các cuộc họp cấp bộ trưởng và một số triển lãm thương mại, văn hóa.
Tất cả các hoạt động này đều nhằm tăng cường quan hệ Philippines-Việt Nam cũng như tiếp tục nỗ lực nối lại các cam kết ngoại giao, kinh tế và văn hóa, xã hội trong khu vực.
Đại sứ có nhận định gì về tiềm năng hợp tác kinh tế song phương trong thời gian tới để phục hồi và phát triển bền vững?
Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Philippines và Việt Nam là rất lớn khi cả hai đều là những nền kinh tế sôi động nhất khu vực Đông Nam Á. Tôi cho rằng có sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai nước về thương mại và đầu tư, nhưng nhìn chung, cả hai bên đều có nhiều lợi ích nếu hợp tác kinh tế được duy trì và mở rộng.
Mặc dù đã có những cơ chế hợp tác, nhưng mối quan hệ song phương có thể được làm sâu sắc hơn nữa khi cả hai đều có mục tiêu và phải đối mặt với những thách thức chung. Đây là lý do tại sao các cuộc đối thoại liên tục giữa các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ cần phải được duy trì.
Thông qua các cuộc đối thoại này, chúng ta có thể giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào và đánh giá tiềm năng các lĩnh vực hợp tác tiếp theo.
Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, theo ông, Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu?
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu ra thị trường quốc tế. Việt Nam cũng có các sản phẩm nông nghiệp đa dạng và tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng. Do đó, Việt Nam có rất nhiều dư địa để đóng góp cho chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, hai nước có thể hợp tác như thế nào trong khuôn khổ đa phương, thưa Đại sứ?
Hai nước đều rất tích cực tham gia nhiều cơ chế hợp tác đa phương. Là một quốc gia thành viên ASEAN, Philippines coi trọng Việt Nam và liên tục có các cơ chế phối hợp chính thức và không chính thức giữa hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!