Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh trước Nhà Trắng, trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, ngày 13/5/2022. (Nguồn: asean.org) |
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Yohannes Abraham đã nhấn mạnh cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của khu vực.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, mặc dù Tổng thống Biden không tham dự chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9, Washington vẫn cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo ông, cam kết này được thể hiện rõ qua việc tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Washington, cũng như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Campuchia và Indonesia hồi năm ngoái.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thực hiện chuyến công du lần thứ 3 tới khu vực Đông Nam Á và Indonesia sẽ là quốc gia thành viên ASEAN thứ 5 mà nhà lãnh đạo này ghé thăm.
Cũng theo Đại sứ Abraham, trên thực tế, chưa đến 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 quốc gia Đông Nam Á, từng được Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đến thăm. Trong những chuyến thăm này, Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đã nỗ lực tìm cách tăng cường hợp tác với ASEAN.
Cam kết của Washington đối với ASEAN cũng được thể hiện qua các chuyến thăm khắp khu vực của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Không chỉ Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Y tế, Đại diện Thương mại Mỹ, và Đặc phái viên về biến đổi khí hậu cũng thể hiện cam kết của Washington đối với ASEAN.
Đại sứ Abraham lưu ý: “Tất cả họ đều đã có thời gian làm việc trong khu vực, tại các quốc gia thành viên ASEAN. Nhiều người trong số họ làm việc thông qua các cơ chế ASEAN”, đồng thời cho rằng đây là những minh chứng về cam kết sâu sắc của chính phủ Mỹ đối với ASEAN và Indonesia.
* Trong một thông tin liên quan Hội nghị Cấp cao ASEAN-43, Tổng cục trưởng Hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Sidharto Reza Suryodipuro thông báo tại cuộc họp ngày 3/9 nhằm rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị và các Hội nghị cấp cao liên quan, các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN đã thảo luận về chủ đề tăng cường năng lực thể chế của tổ chức khu vực này.
Phát biểu họp báo, ông Sidharto cho biết, thông điệp về tăng cường năng lực thể chế ASEAN đã được Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) nhấn mạnh nhiều lần để phản ứng nhanh hơn trước những thay đổi khác nhau trong khu vực và xây dựng tổ chức vững mạnh.
Về chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng” của chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, ông Sidharto xác nhận một số quyết định đã được nhất trí, trong đó có vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và khả năng phục hồi, thúc đẩy khu vực trở thành trung tâm tăng trưởng, nền kinh tế biển xanh và một số văn kiện khác.
Khi được hỏi về vấn đề Biển Đông hiện đang rất được quan tâm, ông Sidharto khẳng định về mặt thủ tục, vấn đề này không được thảo luận tại cuộc họp SOM, song các nước thành viên ASEAN rất có thể sẽ lên tiếng bày tỏ quan tâm và quan ngại tại Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Liên quan đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, ông Sidharto nhấn mạnh sự vắng mặt của nhà lãnh đạo này “không có gì bất thường” bởi theo thông lệ, đại diện của Bắc Kinh là Thủ tướng.
Trong khi đó, liên quan đến sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Sidharto nêu rõ phía Indonesia không thắc mắc về vấn đề đó và điều quan trọng nhất là sự tham gia mang tính xây dựng của tất cả các nước đối tác, trong đó có Mỹ.
Theo nhà ngoại giao Indonesia, sự đóng góp của tất cả các bên, trong đó có các đối tác như Mỹ, là rất quan trọng, bởi vì suy cho cùng, sự tăng trưởng của ASEAN không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên, mà còn cho tất cả các bên đối tác.