Tham dự buổi nói chuyện có các học giả và phóng viên đến từ nhiều viện nghiên cứu và hãng truyền thông lớn trên thế giới.
Tại buổi nói chuyện, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh châu Á có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và chiến lược đối với Mỹ. Châu Á hiện là khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, đóng góp 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và sở hữu một thị trường chiếm tới 50% dân số thế giới.
Các cơ chế khu vực của châu Á như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) ngày càng được mở rộng, thu hút sự tham gia của tất cả các cường quốc trên thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh tại buổi nói chuyện. Ảnh: Vietnamplus |
Trong bối cảnh đó, Đại sứ cho rằng chính quyền kế nhiệm tại Mỹ cần tiếp tục duy trì những cam kết của mình đối với châu Á. Washington cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với châu Á, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), điều này xuất phát không chỉ từ lợi ích của châu Á mà còn từ chính lợi ích quốc gia của Mỹ.
ASEAN đã và sẽ tiếp tục đóng một vai trò rất quan trọng trong các tiến trình ở khu vực và trong hợp tác với tất cả các nước, vì mục tiêu đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Về quan hệ Việt Nam-Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh điểm lại các cột mốc quan trọng và cho rằng hai nước đang có một nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay, quan hệ Việt Nam-Mỹ đã phát triển trên nhiều mặt, được đánh giá là vượt xa kỳ vọng.
Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ, được thiết lập vào năm 2013, cũng như các cột mốc lớn quan hệ trong những năm gần đây, đó là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ vào tháng 7/2015 và chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam vào tháng 5/2015.
Điều này đã tạo đà và mở rộng hơn nữa hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng, đến các vấn đề cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, y tế, môi trường… Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), APEC và ASEAN.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Nếu vào năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều chưa tới 0,5 tỷ USD, nay đã tăng hơn 100 lần, đạt 50 tỷ USD/năm. Con số này sẽ còn tăng trong những năm tới trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Mỹ ngày càng phát triển.
Đại sứ cũng cung cấp các thông tin cập nhật về chính sách đổi mới và hội nhập của Việt Nam, trong đó chú trọng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, gồm cả Mỹ và đề nghị Mỹ tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ, như xóa bỏ các rào cản thương mại và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Đại sứ cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh khai thác các tiềm năng hợp tác về giáo dục-đào tạo, du lịch, khoa học-công nghệ… Hàng năm có hơn 500.000 khách du lịch Mỹ tới Việt Nam.
Hiện nay, đã có trên 20.000 sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học tại Mỹ, đứng đầu các nước Đông Nam Á, Mỹ cũng đang triển khai mở Đại học Fulbright ở Việt Nam, tạo điều kiện cho hợp tác giáo dục-đào tạo, quan hệ giữa thanh niên hai nước có cơ hội được tăng cường.
Ngoài ra, hai nước cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phối hợp cùng ASEAN và các nước trong khu vực bảo đảm môi trường hòa bình và hợp tác phát triển, trong đó có đảm bảo an ninh hàng hải, hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Trên cơ sở đó và phát huy đà quan hệ trong những năm qua, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền mới của Mỹ, tăng cường quan hệ đối tác toàn diện một cách thực chất, lâu dài và bền vững, tin tưởng quan hệ Việt Nam-Mỹ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của năm APEC 2017 tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước thành viên để bảo đảm thành công của tuần lễ cấp cao APEC, trông đợi Tổng thống mới đắc cử Mỹ sẽ đến Việt Nam và tham dự Hội nghị.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng trả lời nhiều câu hỏi của khán giả về triển vọng thương mại, đầu tư tại Việt Nam, các ưu tiên phát triển của Việt Nam, tình hình hợp tác khu vực, trong đó có ASEAN, APEC, an ninh-an toàn hàng hải ở Biển Đông, hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, bao gồm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vấn đề khu vực và quốc tế được quan tâm khác.
Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, được thành lập từ năm 1985, tập trung nghiên cứu, đề xuất chính sách trong quan hệ Mỹ với các quốc gia trên toàn thế giới, cũng như trong các lĩnh vực như an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. |