Các đại biểu tham dự triển lãm ảnh “Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài. |
Chương trình có sự tham dự của ông Rashed Khan Menon, Chủ tịch đảng Công nhân Bangladesh, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bangladesh; bà Sayed Rubina Akter Mira, Nghị sĩ, Ủy viên Ủy ban Hàng không và du lịch Quốc hội Bangladesh; Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Bangladesh.
Tham dự sự kiện còn có một số cựu Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, lãnh đạo Vụ Đông Nam Á và một số đại diên đơn vị Bộ Ngoại giao; nhiều trí thức, văn nghệ sỹ, doanh nhân, phóng viên báo chí, truyền hình là những người bạn Bangladesh thân thiết của Việt Nam, đặc biệt kính trọng và yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh; và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Bangladesh.
Tại sự kiện, đã có nhiều đại biểu đại diện cho Quốc hội, đảng Cộng sản, đảng Công nhân, Phòng Thương mại - công nghiệp Bangladesh-Việt Nam, cựu Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, nghệ sĩ, trí thức và doanh nhân Bangladesh phát biểu.
Đại sứ Phạm Việt Chiến phát biểu |
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Phạm Việt Chiến điểm lại những nét chính về thân thế và sự nghiệp cách mạng, những hi sinh, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Người được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Đại sứ nhấn mạnh, những giá trị to lớn, sâu sắc của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là di sản vô cùng quý báu của nhân dân Việt Nam, là “kim chỉ nam” trong sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ông Rashed Khan Menon, Chủ tịch đảng Công nhân Bangladesh, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bangladesh phát biểu. |
Ông Rashed Khan Menon, Chủ tịch đảng Công nhân, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bangladesh, đã bày tỏ lòng kính trọng và tình cảm đặc biệt mà người dân Bangladesh, đảng Công nhân và của cá nhân ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam.
Ông nhắc lại những kỷ niệm đầu thập niên 1970, ngay sau khi Bangladesh giành độc lập, người dân Bangladesh đã nhiều lần xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước của người dân Việt Nam, đất nước của Hồ Chí Minh; kỷ niệm những lần ông thăm Việt Nam, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo ông Rashed Khan Menon, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nguồn cảm hứng, là nền tảng vững chắc của mối quan hệ giữa Bangladesh và Việt Nam; hai nước có nhiều điểm tương đồng, cùng mục tiêu, cùng chí hướng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ông tin tưởng quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ bền chặt hơn nữa, đạt thêm nhiều thành tựu trong thời gian tới, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Chủ tịch Phòng thương mại - công nghiệp Bangladesh-Việt Nam phát biểu. |
Ông SM Rahman, Chủ tịch Phòng thương mại - công nghiệp Bangladesh-Việt Nam, nhắc đến những tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ của người dân Bangladesh và cộng đồng quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” của Việt Nam, trước đây, hiện tại và cả tương lai.
Trong phát biểu của mình, khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông dùng từ “Bác Hồ” như cách gọi của người Việt. Ông khẳng định, với vai trò là tổ chức tập hợp các doanh nghiệp Bangladesh, Phòng Thương mại sẽ làm hết sức mình, tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất, góp phần thực hiện hóa ước nguyện “dân giàu, nước mạnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người Cha Dân tộc Bangabandhu của Bangladesh.
Chủ tịch Phòng thương mại - công nghiệp khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán hằng năm tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác, cũng như các hoạt động khác để góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, đặc biệt là quan hệ nhân dân giữa hai nước.
Nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Ashraf-ud-Doula phát biểu |
Ông Ashraf-ud-Doula, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam giai đoạn 2002-2004, xúc động chia sẻ những trải nghiệm và cảm nhận chân thành của mình trong những năm tháng công tác tại Việt Nam.
Được tiếp cận, tìm hiểu trực tiếp về Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm việc với Lãnh đạo các cấp, các ngành, những con người của thời đại Hồ Chí Minh; gặp gỡ những học trò xuất sắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đào tạo và rèn luyện, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông cảm nhận rất sâu sắc những giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, tri thức, kinh nghiệm, phong cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho người dân Việt Nam, cho nhân loại.
Ông khẳng định thực tế đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng đúng đắn để nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Giám đốc nghệ thuật Nhà hát Turongomi Pooja Sengupta phát biểu. |
Các văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo đã chia sẻ cảm nhận, tình cảm đặc biệt của mình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam; trong đó có cô Pooja Sengupta - Giám đốc nghệ thuật Nhà hát Turongomi, người sáng tác và biên đạo vở kịch múa về Bác Hồ công diễn nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay Tiến sĩ Mostafizur Rahman - người dịch tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc” sang tiếng Bangla.
Xuất phát từ lòng kính trọng, yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo cho biết đã, đang và sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm, bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa hình ảnh Người, đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với người dân Bangladesh.
Cô Pooja Sengupta chia sẻ, mặc dù thuộc thế hệ trẻ Bangladesh, sinh ra và lớn lên sau khi đất nước đã giành độc lập, Việt Nam đã hòa bình và thống nhất, nhưng cô vẫn được nghe nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về một đất nước Việt Nam đang phát triển diệu kỳ.
Vì vậy, khi có cơ hội đến Việt Nam tham dự Hội diễn quốc tế tại Ninh Bình, cô và đoàn múa đã xin phép Ban Tổ chức tự thu xếp chương trình về Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và làm việc của Người để tự chiêm nghiệm về Bác.
Với lòng yêu quý Người, đặc biệt là cảm xúc sau chuyến đi này, cô đã dựng vở kịch múa mang tính sử thi về Bác Hồ, “Hành trình đi tìm ánh sáng”, kết hợp giữa ngôn ngữ múa truyền thống Bangladesh và múa hiện đại.
Triển lãm ảnh Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài. |
Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm, để bạn bè Bangladesh hiểu sâu hơn, trực quan hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, Đại sứ quán đã tổ chức triển lãm ảnh “Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài” và chiếu phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”.
Cắt băng khai trương Góc Việt Nam |
Trong dịp này, Đại sứ Phạm Việt Chiến, cùng Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Rashed Khan Menon và Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp - thương mại Bangladesh - Việt Nam SM Rahman, cắt băng khai trương “Góc Việt Nam” tại Hội trường cao ốc Novo, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, kinh tế, tiềm năng và cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Cao ốc Novo là nơi đặt văn phòng của Phòng Thương mại, nay với “Góc Việt Nam”, đây sẽ không chỉ là nơi các doanh nhân Bangladesh gặp gỡ, trao đổi thông tin, kết nối làm ăn với Việt Nam, mà còn là nơi người Bangladesh có thể tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, hoặc tổ chức các hoạt động tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Góc Việt Nam. |
Chương trình Mít-tinh, gặp mặt kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhiều cơ quan thông tấn của Bangladesh đưa tin, bằng cả tiếng Bangla và tiếng Anh, trên cả báo in, báo mạng, đài truyền hình và các nền tảng xã hội trực tuyến khác.