Hội thảo là cơ hội để hai bên tiếp xúc, mở ra những cơ hội hợp tác, liên kết và đầu tư trong lĩnh vực logistics. |
Hội thảo nhằm giúp các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm và kết nối với các nhà quản lý, đào tạo và doanh nghiệp của Hà Lan về quy hoạch, quản lý và đào tạo nhân lực logistics.
Đây cũng là cơ hội để hai bên tiếp xúc, mở ra những cơ hội hợp tác, liên kết và đầu tư trong lĩnh vực này.
Tham gia Hội thảo có khoảng 300 đại biểu là các lãnh đạo tỉnh, thành, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, học giả của Việt Nam, các doanh nghiệp Hà Lan và giới truyền thông.
Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán thử nghiệm và thành công trong ứng dụng phát trực tiếp sự kiện trên nền tảng số để khán giả có thể theo dõi cũng như xem lại sau này. Bản phát trực tiếp trên trang facebook của Đại sứ quán đã thu hút hơn 1.400 lượt người xem.
Khai mạc hội thảo, Đại sứ Phạm Việt Anh đã nêu bật những thế mạnh của Hà Lan trong lĩnh vực logistics, những điểm tương đồng của hai nước cũng như khả năng bổ khuyết của Hà Lan cho Việt Nam nhằm nhấn mạnh những điểm thuận lợi khi Việt Nam chọn Hà Lan để kết nối logistics.
Bên cạnh thế mạnh sẵn có đưa Hà Lan đứng vào đội ngũ những quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số hiệu quả logistics, điểm nổi bật trong những giải pháp của Hà Lan tư duy tổng thể, tích hợp, đồng bộ.
Các giải pháp của Hà Lan hướng đến sự hài hòa, chung sống với tự nhiên và bảo vệ môi trường sống, nên luôn bền vững, tiết kiệm và tối ưu.
Thêm vào đó, hợp tác logistics giữa Việt Nam và Hà Lan có nền tảng thuận lợi từ quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa Chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp hai nước. Tựu chung lại, thúc đẩy hợp tác logistics sẽ mang lại cơ hội và lợi ích cho cả hai bên.
Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hà Lan có cơ hội thực hiện các giải pháp tối ưu của mình tại mảnh đất có rất nhiều tiềm năng và hứa hẹn như Việt Nam.
Hội thảo nhằm giúp các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm và kết nối với các nhà quản lý, nhà đào tạo và doanh nghiệp của Hà Lan về quy hoạch, quản lý và đào tạo nhân lực logistics. |
Các phát biểu của diễn giả Việt Nam đã nêu bật những bước tiến nhanh chóng của logistics Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Việt Nam, chờ sự bổ khuyết từ Hà Lan.
Các diễn giả Hà Lan đánh giá cao về triển vọng kinh tế Việt Nam và hợp tác logistics giữa hai nước, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực. Việt Nam và Hà Lan đều có thể trở thành cửa ngõ đi vào khu vực cho hàng hóa và dịch vụ.
Các diễn giả cũng giới thiệu nhiều thế mạnh có thể hỗ trợ Việt Nam, từ mô hình, giải pháp đến phương pháp tư duy và quy trình đào tạo nhân lực logistics.
Các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, đặt nhiều câu hỏi đối với các diễn giả về quy hoạch tổng thể logistics Việt Nam, tiến độ nâng cấp cảng Cái Mép - Thị Vải, kinh nghiệm vận hành logistics trong bối cảnh dịch bệnh, kinh nghiệm chuyển đổi số trong logistics…
Hội thảo đã đưa ra các đề xuất về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong đào tạo và nâng cao năng lực kỹ thuật; phát triển các dự án cảng biển; logistics xanh, trung tâm logistics để lưu trữ và phân phối các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tại châu Âu; xây dựng nền tảng công nghệ thông tin, cung cấp các giải pháp trọn gói cho khách hàng…
Tham gia sự kiện, các đại biểu đã tích cực kết nối, liên hệ với các diễn giả, nhà quản lý, doanh nghiệp, mở ra nhiều kênh trao đổi hợp tác giữa các địa phương và đối tác Hà Lan.