Ngư dân Việt Nam bị thương đang được điều trị ở bệnh viện tại Thái Lan. (Nguồn: TTXVN) |
Khẩn trương xác minh ngư dân
Ngày 8/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan nhận được thông báo của cảnh sát Muang Rayong, tỉnh Rayong về việc nhận bàn giao 5 ngư dân Việt Nam từ Hải quân Thái Lan.
5 công dân này đã được ngư dân Thái Lan cứu vớt khi đang trôi dạt trên biển do tai nạn chìm tàu cá, trong đó 2 ngư dân đang phải điều trị tại bệnh viện tỉnh Rayong.
Cảnh sát Muang Rayong đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp xác minh công dân và giải quyết vụ việc.
Qua trực tiếp phỏng vấn ngư dân và làm việc với cảnh sát Muang Rayong, vụ việc xảy ra như sau.
Vào khoảng ngày 29-30/4, tàu câu mực Kiên Giang (không có số hiệu, chủ tàu là Phạm Thị Lê Hằng, trú tại Khu phố 5, thị trấn An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang) xuất bến ra biển câu mực từ cảng An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Trên tàu gồm 5 ngư dân trú tại tỉnh Kiên Giang và An Giang.
Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 7/5, khi đang neo tại vùng biển giáp ranh Thái Lan và Campuchia, tàu câu mực trên đã gặp sóng to, bình gas trên tàu bị đổ, khiến gas bị rò rỉ gây nổ làm chìm tàu.
Số ngư dân nói trên đã trôi dạt trên biển đến khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, được ngư dân Thái Lan cứu vớt và bàn giao cho Hải quân Thái Lan và sau đó là cảnh sát Muang Rayong.
Hiện nay, 2 ngư dân người Việt đang được chăm sóc, chữa trị tại bệnh viện Rayong, trong đó, 1 ngư dân bị bỏng gas khá nặng. Bác sỹ cho biết, người bị nặng có thể xuất viện trong khoảng 7 đến 10 ngày tới, còn 1 ngư dân bị thương ở chân đã xuất viện ngày 12/5.
Theo thông tin cập nhật từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, ngư dân mới xuất viện và 3 ngư dân còn lại đang được bố trí chỗ ở tạm thời tại trụ sở cảnh sát Muang Rayong, chờ xét nghiệm Covid-19 và cách ly theo quy định.
Theo quy trình, cảnh sát Muang Rayong sẽ hoàn thiện biên bản, hồ sơ vụ việc và phối hợp Cơ quan xuất nhập cảnh tỉnh Rayong để bàn giao ngư dân cho Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Sau đó, cơ quan đại diện Việt Nam tại Bangkok sẽ phối hợp Cục xuất nhập cảnh Thái Lan làm thủ tục đưa ngư dân về nước theo diện nhập cảnh trái phép do bị nạn.
3 trong số 5 ngư dân Việt Nam được ngư dân Thái Lan cứu chụp ảnh cùng cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và cảnh sát tỉnh lỵ Rayong. (Nguồn: TTXVN) |
Nỗ lực của Đại sứ quán
Ông Lê Trung Kiên, Bí thư thứ nhất làm công tác bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, ngay khi nhận được thông tin 5 ngư dân Việt Nam gặp nạn, Đại sứ quán đã nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Ngày 9/5, Đại sứ quán Việt Nam đã cử cán bộ bảo hộ công dân trực tiếp đến tỉnh Rayong thăm hỏi, sử dụng Qũy bảo hộ công dân để mua nhu yếu phẩm hỗ trợ ngư dân.
Bên cạnh đó, cán bộ của Đại sứ quán đã phỏng vấn ngư dân, tích cực làm việc với bệnh viện và cảnh sát để tìm hiểu vụ việc, đồng thời đề nghị hỗ trợ khám chữa bệnh nhân đạo cho ngư dân và phối hợp triển khai các thủ tục liên quan việc đưa ngư dân về nước.
Đại sứ quán đã thông báo vụ việc qua điện thoại cho chủ tàu và gia đình ngư dân, đồng thời đề nghị cử đại diện phối hợp với Cơ quan đại diện và các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc, đưa các ngư dân về nước trong chuyến bay sớm nhất.
Về phía các cơ quan hữu quan trong nước, Đại sứ quán đã phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Sở Ngoại vụ địa phương ngư dân cư trú để thông báo vụ việc và phối hợp xác minh nhân thân ngư dân, chủ tàu, qua đó có cở sở tiếp tục phối hợp với các quan chức năng sở tại, bao gồm Cảnh sát điều tra và xuất nhập cảnh tỉnh Rayong, Cục xuất nhập cảnh Thái Lan, nhằm sớm hoàn thiện các thủ tục đưa ngư dân về nước khi có chuyến bay.
Chỉ trong thời gian ngắn, công tác bảo hộ các ngư dân Việt Nam tại Thái Lan đã được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả. Dù vậy, trong quá trình triển khai, thuận lợi và khó khăn luôn song hành với nhau.
Về mặt thuận lợi, lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác bảo hộ công dân nói chung và công tác bảo hộ công dân đối với ngư dân nói riêng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại địa bàn.
Không chỉ vậy, qua quá trình xác minh, thông tin ngư dân cung cấp khá đầy đủ, kịp thời nên Đại sứ quán đã liên lạc sớm được với gia đình ngư dân và chủ tàu.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự kịp thời, hiệu quả trong quá trình phối hợp giữa Đại sứ quán với các cơ quan chức năng của Việt Nam và sở tại trong việc cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục...
Về mặt khó khăn, tình hình dịch Covid-19 tại Thái Lan nói chung và tỉnh Rayong nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao đối với cán bộ và ngư dân bị nạn.
Bên cạnh đó, 3 trong số 5 ngư dân gặp nạn không có giấy tờ tùy thân, cần thời gian để xác minh cấp giấy tờ về nước.
Đặc biệt, hiện nay địa bàn Thái Lan chưa có kế hoạch cho chuyến bay hồi hương do chuyến bay dự kiến gần nhất vào ngày 31/5 đã bị hủy.
Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho Đại sứ quán và ngư dân trong thời gian chờ đợi về nước do phải bố trí nơi ăn ở, chi phí sinh hoạt, quản lý ngư dân...
Liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân bị nạn, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng trong nước và sở tại xử lý 2 vụ việc ngư dân bị nạn tương tự, đưa 4 ngư dân về nước an toàn. |