Đại sứ Phan Đăng Đương phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo có sự tham gia của gần 170 đại biểu. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại thương và Quan hệ Bắc Âu Krister Nilsson tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Ngoài Đại sứ quán các nước ASEAN (Việt Nam, Lào, Indonesia, Malaysia, Thailand và Philippines), đại diện một số cơ quan, viện nghiên cứu, tập đoàn, công ty của Thụy Điển đã tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phan Đăng Đương nhấn mạnh, Thụy Điển là nước đi đầu về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, điều mà các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác. Trong thời gian qua, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Thụy Điển nói riêng.
Việc Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU trong năm 2020 đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU và Thụy Điển. EVFTA và EVIPA sẽ tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển trong việc tiếp cận thị trường của nhau, thúc đẩy đầu tư, giao thương, tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới (nhất là xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, sản phẩm gỗ, điện thoại và linh kiện vào Thụy Điển và nhập công nghệ, máy móc, thiết bị công nghiệp, viễn thông từ Thụy Điển vào Việt Nam, ...).
Việt Nam đánh giá cao các tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển đang hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux, Volvo, AstraZeneca, H&M ... cùng với dòng vốn đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tiếp tục gia tăng. Thụy Điển hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam ở Bắc Âu với kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Về đầu tư, Thụy Điển hiện đứng thứ 34 trong tổng số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo về cơ hội hợp tác ASEAN-Thụy Điển trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. |
Vượt qua thách thức, khống chế thành công đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 với mức tăng GDP đạt 2,91%. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục khẳng định là thị trường tiềm năng và đầu tư hiệu quả đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.
Trong chuyến thăm chính thức Thụy Điển tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo như đô thị thông minh, môi trường, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thông tin truyền thông, y tế...
Kêu gọi các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Đại sứ Phan Đăng Đương khẳng định, hơn lúc nào hết, những điều kiện pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư an toàn tại Việt Nam hiện nay đang mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư Thụy Điển.
Đại sứ Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của hai bên, đặc biệt là giới doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-Thụy Điển, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững sẽ có bước phát triển mạnh trong thời gian tới.