Trong chuyến thăm, các Đại sứ nhóm ACB đã tới gặp, làm việc với Thư ký phụ trách Môi trường và bền vững thành phố Manaus, tới thăm Khu Thương mại tự do Manaus (SUFRAMA), Bộ Chỉ huy Quân sự rừng Amazon (CMA), Trung tâm hướng dẫn tác chiến rừng (CIGS), Trung tâm quản lý và vận hành hệ thống bảo vệ rừng Amazon (CENSIPAM).
Các Đại sứ Ủy ban các nước ASEAN tại Brasília (ACB) trong chuyến thăm và làm việc tại bang Amazonas. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Brazil) |
Bên cạnh chương trình hoạt động của ACB, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa cũng đã có cuộc gặp với Trưởng Ban thư ký phụ trách phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới (SEDECTI), cũng như tới thăm một số doanh nghiệp sở hữu dây chuyền phân loại, xử lý và chuyến hoá phế liệu thành năng lượng.
Chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy các tiềm năng hợp tác mới, củng cố quan hệ ASEAN-Brazil. Là bang lớn nhất của Brazil với 5,5 triệu km2 rừng trong đó 98% diện tích rừng cần được bảo tồn, chính quyền bang Amazonas tập trung vào các hoạt động sản xuất bền vững, phát triển kinh tế xanh phục vụ mục tiêu chung phát triển kinh tế bang Amazonas và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.
Thông qua chuyến thăm, các Đại sứ ASEAN cho biết, đã có cái nhìn hoàn toàn khác đối với công tác bảo vệ rừng của Brazil, đặc biệt thông qua sử dụng các công nghệ tiên tiến do chính quốc gia này phát triển, góp phần hỗ trợ công tác kiểm soát cháy rừng, khai thác, chặt phá rừng bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, trong trao đổi giữa Đại sứ Kim Hoa và Trưởng Ban thư ký phụ trách phát triển kinh tế bang Amazonas (SEDECTI), hai bên cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch, khai khoáng…
Amazonas nằm ở phía Bắc của Brazil, là bang lớn nhất trên cả nước với diện tích 1.559.167,878 km2; tiếp giáp với Venezuela, Colombia và Peru lần lượt ở phía Bắc, Tây Bắc và phía Tây.
Với hơn 4,2 triệu dân, tương đương 2% dân số Brazil, đây là bang đông dân thứ hai ở vùng phía Bắc và đông dân thứ mười ba ở Brazil, trong đó có 20 dân tộc bản địa sống sâu trong rừng rậm. Lãnh thổ của Amazonas được bao phủ toàn bộ bởi khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với 98% diện tích được bảo tồn.
Kết hợp tiềm năng sinh thái với chính sách kinh doanh bền vững, thành phố thủ phủ Manaus của bang Amazonas trở thành nền kinh tế có GDP lớn thứ 8 của Brazil. Doanh thu của Manaus đạt trung bình khoảng 20 tỷ USD/năm, với xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD, chủ yếu thông qua Khu thương mại tự do Manaus (SUFRAMA).
Thủ phủ cũng tập trung hơn 700 nhà máy lớn, vừa và nhỏ sản xuất một lượng lớn sản lượng xe máy, ti vi, màn hình máy tính, kính động lực học, điện thoại di động, đầu DVD, đồng hồ đeo tay, thiết bị điện lạnh, xe đạp, hóa chất, gỗ, gạch, đồ uống, vật liệu xây dựng...
Không chỉ vậy, Amazonas còn là bang sản xuất khí đốt lớn thứ ba trong nước, thông qua các hoạt động của Petrobras với đường ống dẫn dầu Urucu-Coari-Manaus dài 660 km cắt qua sông và rừng rậm Amazonia. Lượng sông ngòi chằng chịt tại rừng Amazonia cũng tạo nên mạng lưới giao thông lớn trong khu vực.